Tìm đường bằng điện thoại

10 ngày sau khi ra đời, Vimap đã thu hút được 1.800 người dùng đăng ký sử dụng có kích hoạt bằng tin nhắn và 7.000 lượt download phần mềm này từ trang web www.vimap.vn

Nhóm “khai sinh” Vimap

“Tổng độ dài đoạn đường là 2,6 km (16’): đi thẳng Võ Văn Tần 270 m, rẽ phải Cách Mạng Tháng Tám 830 m, rẽ trái 3 Tháng 2 1.030 m…”. Sau vài thao tác trên bàn phím điện thoại di động (ĐTDĐ), con đường mà chúng tôi cần đi từ tòa soạn đến rạp hát Hòa Bình đã được vẽ ra, cụ thể đến từng chi tiết thông qua Vimap.

Người dùng làm nên nội dung

Giao diện rất bình thường, điều khiến Vimap lập được con số kỷ lục này chính là tiện ích mà nó mang lại. Với ĐTDĐ có khả năng kết nối GPRS, Java 2.0 trở lên, chỉ cần cài đặt một trình ứng dụng chiếm dung lượng bộ nhớ vỏn vẹn 220 KB (ít hơn nhiều so với một bài nhạc), người dùng đã có thể tìm kiếm đường đi nhanh nhất cho mình.

Trên giao diện của một bản đồ số, người dùng sẽ xác định điểm đang ở và điểm đến, ứng dụng sẽ cung cấp trở lại lộ trình chi tiết bằng đường đi trực tiếp trên bản đồ lẫn văn bản. Những “điểm đen” trong giao thông như trường hợp kẹt xe, đào đường… đều được thể hiện bằng các ký hiệu để người dùng có thể lựa chọn lộ trình thích hợp hơn cho mình. Những địa điểm phục vụ nhu cầu hằng ngày cũng đồng thời được cập nhật trên bản đồ. Cụ thể như khi xác định địa điểm đang đứng, người dùng có thể tìm được cây xăng, ngân hàng, ATM, bưu điện, chợ, nhà sách… gần nhất.

Nâng cấp từ phần nền bản đồ số trên di động eMap, chương trình đã giành được các giải nhất cuộc thi Mobile Games 2005 và giải 3 Trí tuệ Việt Nam năm 2008, Vimap không chỉ là một chương trình tra cứu bản đồ với dữ liệu bản đồ chính xác, mà còn là chương trình được xây dựng trên nền tảng 2.0. Trong đó, đóng góp của cộng đồng người dùng là cực kỳ quan trọng vì những thông tin trên Vimap không cố định, phải dựa trên nguồn do cộng tác viên và người dùng cung cấp. Người dùng có thể mách nước với cộng đồng các địa điểm thú vị như quán cà phê, quán ăn…, trung tâm điều hành sẽ ghi nhận và những người dùng khác đều có thể tìm thấy các địa điểm này trên bản đồ. Anh Nguyễn Minh Nhật, trưởng điều hành dự án, khẳng định: “Chính người dùng sẽ comment để nhận xét những người cung cấp thông tin”. Anh cho biết thêm, nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ tính điểm rồi mỗi tháng phong chức vụ “thổ địa”, kèm phần thưởng có giá trị hẳn hoi cho người cung cấp thông tin. Tựa như các tiện ích thành công trên internet hiện nay như Photobucket, Flickr… đây là cách làm lấy thông tin từ người dùng, làm giàu cho tiện ích của mình. Người dùng làm nên nội dung của ứng dụng.

Điều ít được nhắc đến của Vimap là khả năng tính được thời gian di chuyển cho người dùng. Minh Nhật khiêm tốn nói: “Chúng tôi chỉ dám khẳng định tính chính xác chỉ khoảng 70% thôi”. Anh cho biết nguyên nhân là do hiện nay, quá nhiều lô cốt án ngữ trên đường, tình trạng kẹt xe… nên việc tính toán thời gian chỉ tương đối.

Đóng góp cho cộng đồng

Đến gặp những người tái sinh Emap, khai sinh Vimap, khó mà không ngạc nhiên khi biết rằng 4/5 thành viên hiện là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Tâm nguyện chung của nhóm bạn này là: “Chỉ mong người dùng có thể lựa chọn được lộ trình tốt nhất cho mình trước khi tham gia giao thông. Nếu người đi sau biết chọn đường khác, tránh những “điểm đen” thì chắc hẳn tình trạng ách tắc giao thông sẽ trở nên dễ giải quyết hơn rất nhiều”.

Nhìn ứng dụng chạy đơn giản như thế nhưng để thực hiện được những bản đồ số thông minh như vậy, 5 thành viên của nhóm đã phải làm việc rất cật lực. Riêng ở TPHCM, các bạn đã khảo sát và cho ra kết quả: Có đến 1.600 con đường và 7.000 con hẻm, đường không tên. Nếu từ nhân viên đến trưởng nhóm không chia nhau khảo sát qua từng ngõ, ngách để vẽ lại chi tiết thì hẳn đã không có được thành quả này.

Sau TPHCM và Hà Nội, nhóm bạn trẻ này cũng vừa hoàn thành bản đồ ở TP Đà Nẵng. Dự án của họ không dừng lại ở đó mà còn trải dài đến Nha Trang, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt… cùng các địa phương phát triển về du lịch khác. Công sức bỏ ra nhiều như vậy nhưng những người trẻ này không hề có ý nghĩ phát triển dự án để thu lợi nhuận. Tất cả các ứng dụng của họ đều cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Có lẽ, chỉ có khát vọng chinh phục bản thân và ý thức đóng góp cho cộng đồng mới tạo nên sức mạnh cho những người trẻ này tiếp tục dấn thân như vậy.

Bói toán qua mobile lại bùng phát

Dự đoán kết quả xổ số, xem tử vi, dịch vụ tìm bạn khác giới… Những tin nhắn quảng cáo các loại dịch vụ như thế này đang gây phiền toái cho người sử dụng điện thoại di động.

Dự đoán kết quả xổ số, xem tử vi, dịch vụ tìm bạn khác giới…qua mobile ngày càng phổ biến

Vừa tậu được con xe Attila đời mới, chuẩn bị làm thủ tục gắn biển thì chị Mai ở Hà Nội nhận được tin nhắn từ số máy 01232918610 với nội dung “Biển số xe của bạn có đem lại may mắn? Hãy soạn tin BS Biensoxe gửi tới số 8716”. Tức thì chị Mai ghi lại những biển số mà chị tâm đắc ra giấy rồi làm theo hướng dẫn. 5 tin nhắn gửi đi chẳng thấy phản hồi, chị kiểm tra tài khoản thì phát hiện đã bị trừ 75.000 đồng.

Chẳng biết số tổng đài trên của nhà cung cấp nào, gọi tới số điện thoại vừa nhắn tin cho mình thì không thấy ai nhấc máy, chị Mai chép miệng: “Không cái dại nào giống cái dại nào. Thôi thì 75.000 đồng coi là cái phí ngu”.

Sau thời gian yên ắng, nhắn tin lừa đảo, bói toán, tư vấn tình dục, trúng thưởng… gần đây lại bùng phát. “Bạn muốn biết số điện thoại của mình đẹp hay xấu”; “Để biết tương lai ra sao trong 10 năm tới”, hay xem kết quả xổ số, tư vấn tình cảm, tư vấn chọn bạn đời… những tin nhắn có nội dung như vậy được gửi tới không ít thuê bao di động và trở thành nỗi phiền toái của nhiều người.

Chị Hương – nhân viên công ty truyền thông ở Hà Nội cũng bao phen bị hớ vì tin nhắn spam kiểu như vậy. Chị kể, có lần đang phóng xe trên đường phố đông đúc, thì điện thoại của chị reo báo tin nhắn mới. Đang chờ một thông tin quan trọng từ đối tác làm ăn nên chị vội tấp xe vào lề đường mở máy điện thoại ra đọc tin. Tuy nhiên, nội dung không phải là những gì chị đang mong đợi mà lại là “Máy của bạn đã cài GPRS chưa, hãy soạn tin nhắn CD>6789 để tự động cài đặt”.

Chẳng thèm đọc hết nội dung tin, chị Hương bực dọc nhét chiếc điện thoại vào túi áo rồi đi tiếp. Thế nhưng khoảng 10 phút sau, điện thoại lại kêu tít tít, chị lại làm động tác ghé vào lề đường bên phải, lần này thì có tới 2 tin nhắn liên tiếp gửi từ số 01235898138 với nội dung: “Để biết số điện thoại của bạn có thuận theo âm dương ngũ hành, soạn Dịch gui 8798”. Một tin khác từ số 8720 với nội dung “*Cau* – Dự đoán Cau SXMB soạn Cau gui 8720 – liên tục thành công, hôm qua thắng to: 84-84-28”.

“Tôi thường xuyên phải nhận tin nhắn kiểu spam như vậy. Nào là soạn tin nhắn để biết vận may của cuộc đời, nào là xem số điện thoại theo phong thuỷ, hay cầu trúng số độc đắc… Chúng thực sự làm tôi khó chịu”, chị Hương nói.

Việc phát tán tin nhắn rác đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi giá cước nhắn tin của các mạng di động ngày càng rẻ và các chế tài quản lý thuê bao di động trả trước vẫn chưa thật sự phát huy tác dụng.

Hiện nay, giá cước nhắn tin của các mạng di động chỉ dao động 200-350 đồng, nên chi phí cho mỗi đợt phát tán tới 1.000-2.000 tin nhắn cũng chưa tới 1 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với phương thức quảng cáo trên báo, truyền hình và tác động trực tiếp đến khách hàng. Đây cũng là lý do làm cho tình trạng tin nhắn quảng cáo “rác” ngày càng bùng phát.

Thêm vào đó, tiếp tay cho dịch vụ này chính là GSM Modem – một thiết bị giúp phát tán tin nhắn hàng loạt có giá chỉ dao động vài trăm đôla được bày bán công khai trên thị trường.

Để hạn chế hiện tượng tin nhắn spam gây khó chịu cho người sử dụng, mới đây Chính phủ đã ban hành nghị định chống thư rác trong đó quy định với bảy nhóm hành vi bị cấm, kèm theo các mức phạt từ 200.000 đồng đến 80 triệu đồng.

Việc gửi tin nhắn quảng cáo qua điện thoại di động có nội dung liên quan đến sex, kích động mê tín dị đoan là đã vi phạm, có thể bị xử phạt theo Nghị định. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa xử lý trường hợp nào có liên quan.

Mobile hóa & chia sẻ cộng đồng

Mosh là một ứng dụng mới do Nokia phát triển trong việc mobile hóa và chia sẻ cộng đồng. Với Mosh, bạn có thể tạo và tải các ứng dụng, hình ảnh, video, game… lên server của Mosh và chia sẻ với mọi người thông qua điện thoại di động. Khi đó, bạn có thể sử dụng các ứng dụng Shareware hoàn toàn miễn phí mà không hề tốn công đặt mua hay crack bản quyền.

Hình 1

Hình 2

 

Mosh tuy mới ra đời (hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm beta) nhưng đã thu hút khá nhiều thành viên tham gia sử dụng. Sau khi vào trang Mosh tại địa chỉ http://mosh.nokia.com, bạn sẽ thấy một khung hiển thị. Bạn chú ý vào mục Content để chọn ứng dụng mình cần bao gồm ứng dụng (Applications), Game, Audio (nhạc hay cho di động)…

Sau khi chọn xong ứng dụng, một trang mới sẽ được hiển thị bao gồm nhiều ứng dụng có kèm theo Tag (thẻ chỉ định). Bạn truy cập theo tag hoặc theo tên ứng dụng để tải về máy tính.

Khi đó, toàn bộ thông tin về ứng dụng sẽ được hiển thị. Bạn có thể chọn Download để tải về máy tính và chép qua điện thoại di động thông qua cáp kết nối. Bạn cũng có thể chia sẻ cho bạn bè thông qua tùy chọn Share.

Với mục đích chia sẻ cho mọi người dùng, Mosh như là một trào lưu mới dành cho người dùng điện thoại Nokia. Các ứng dụng tại đây đều tương thích tốt với các dòng thông dụng như S60, S80…

  • e-Chip Mobile

Những mobile được “săn đón” nhiều nhất

LG KC910

Cùng chạy đua trên “mặt trận” mobile chụp ảnh 8 megapixel, LG KC910 được trang bị ống kính cao cấp Schneider-Kreuznach, được hỗ trợ thêm với chức năng tự động lấy nét autofocus và đèn flash Xenon. LG KC910 có thể quay video với tốc độ 30 khung hình/giây với độ phân giải VGA hoặc 120 khung hình/giây với độ phân giải QVGA.

Nokia 5800 XpressMusic

Điện thoại chơi nhạc màn hình cảm ứng đầu tiên của Nokia là 5800 XpressMusic được tích hợp camera 3,2 megapixel với thấu kính Carl Zeiss và đèn flash LED kép sáng giúp chụp những tấm ảnh rõ nét. Máy có thể quay video với tốc độ 30 khung hình/giây.

Máy có bộ nhớ trong 8GB có thể lưu trữ được 4.000 bài hát và có thể nâng cấp dung lượng lên đến 16GB bằng thẻ nhớ. Máy cũng có giắc cắm tai nghe 3,5mm. Phím ảo “media bar” thường xuyên xuất hiện trên màn hình cho phép người dùng mở nhanh máy nghe nhạc, xem ảnh và video.

5800 XpressMusic sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.

HTC S740

S740 thừa hưởng kiểu dáng của dòng Touch Diamond nổi tiếng và đang bán rất chạy của HTC nhưng lại không sử dụng màn hình cảm ứng, máy có màn hình QVGA 2,4 inch và bộ bàn phím trượt QWERTY.

Smartphone đời mới trong “dòng họ” Touch Diamond hỗ trợ kết nối HSDPA, giúp truyền dữ liệu tốc độ lên tới 7.2 Mb/giây. Ngoài ra, S740 cũng có kết nối Wi-Fi và hệ thống định vị GPS. Smartphone này chạy hệ điều hành Windows Mobile 6.1, dùng chipset Qualcomm MSM7225, 528 MHz.

Emporio Armani-Samsung Night Effect

Samsung Armani Night Effect chỉ dày 12 mm, có màn hình OLED 2,2 inch và cũng được trang bị các tính năng đời mới hướng tới người dùng yêu thích công nghệ. Điện thoại hỗ trợ mạng GMS 4 băng tần và kết nối HSDPA, tích hợp camera 3,2 megapixel, tai nghe Bluetooth stereo, đài FM và khe cắm thẻ nhớ microSD.

Điện thoại “se duyên” công nghệ và thời trang thứ 2 của Samsung và Armani sẽ có mặt trên thị trường trong tháng 11 tới. Giá bán khoảng 600 USD.

Nokia 7510 Supernova

Tiếp bước thành công sau bộ sưu tập L’Amour đình đám, từ giữa năm nay, Nokia đã trình làng thêm bộ sưu tập Supernova – điện thoại duyên dáng, nữ tính giành cho phái nữ. Là model cao cấp trong bộ sưu tập điện thoại “Sao băng” Supernova của Nokia, 7510 được trang bị camera 2 megapixel với đèn LED flash, zoom số 8x. Máy hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD, dung lượng có thể nâng cấp lên 8GB.

Pin của 7510 Supernova cho thời gian đàm thoại là 180 phút và 300 tiếng ở chế độ chờ.

LG Prada II

Kiểu dáng cũng mảnh mai giống như phiên bản Prada đầu tiên nhưng Prada II được thiết kế thêm bàn phím đầy đủ để hỗ trợ người dùng bên cạnh màn hình cảm ứng. Vỏ ngoài được làm bằng một lớp kim loại tạo cảm giác chắc chắn, thoải mái khi chạm vào.

Ngoài ra, Prada II còn được trang bị camera 5 megapixel cùng ống kính Schneider-Kreuznach, có thể truy cập Wi-Fi, hỗ trợ kết nối 3G để thực hiện cuộc gọi video và tương thích cả mạng HSDPA.

LG Prada II sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.

Sony Ericsson Hikaru thách thức thị trường mobile cảm ứng

Cơn sốt điện thoại chụp ảnh 8 megapixel chưa dứt thì hãng liên doanh Sony Ericsson lại tiếp tục “dội bom” bằng phiên bản màn hình cảm ứng nữa có thể chụp ảnh với 8 “mê” và bộ nhớ 8GB.

Chiếc điện thoại mang tên mã Hikaru của Sony Ericsson sẽ có kiểu dáng trượt với màn hình cảm ứng rộng rãi. Tuy nhiên, hiện Sony Ericsson chưa công bố nên vẫn chưa rõ mobile mới này sẽ thuộc “dòng” nào, Walkman, Cyber-shot, hay là G-series.

Nhìn hình ảnh, Hikaru có kiểu dáng hoàn toàn khác so với “siêu phẩm” Xperia X1 bàn phím QWERTY. Hikaru trông nhỏ gọn và thanh mảnh hơn, nhưng không biết liệu điện thoại mới này của Sony Ericsson có được tích hợp bàn phím QWERTY hay không?

Ngoài thông tin rò rỉ của Hikaru, các diễn đàn công nghệ cũng đang bàn tán về mẫu Sony Ericsson Twiggy sẽ được ra mắt trong quý II/2009. Twiggy là điện thoại Walkman phiên bản kế tiếp của W350.
Sony Ericsson Twiggy có màn hình độ phân giải 240 x 320 pixel, camera 3 megapixel tích hợp.