Viettel nhập thêm iPhone 3GS 16GB

Viettel thông báo, vừa nhập thêm 3.000 chiếc iPhone 3GS bản 16GB, đây là những model cũ, hiện Apple chỉ sản xuất bản 8GB và iPhone 4.

Đây là đợt nhập iPhone thứ hai của Viettel.

Hôm qua, Viettel thông báo từ tháng 8, hãng sẽ nhập lô hàng iPhone 3GS thứ hai để phục vụ các khách hàng của mình. Theo đó, hãng chỉ nhập bản 3GS 16GB màu trắng và đen gồm cả bản quốc tế và khóa mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế Apple hiện chỉ bán iPhone 4 và các bản iPhone 3GS 8GB. Những chiếc 3GS 16 và 32GB đã được “Quả táo” ngừng sản xuất từ khi iPhone 4 bán ra (24/6). Model 8GB hiện đã có mặt trên thị trường xách tay với giá trên dưới 12 triệu đồng.

Liệu các model mới có phải “hàng tồn kho” của Apple, một đại diện Viettel cho biết, ông không rõ thông tin hiện Apple chỉ bán máy 3GS 8GB, nhưng trả lời, có thể là hàng còn tồn lại từ nhà sản xuất. Vị đại diện này thêm vào, các model đã được đặt từ trước theo kế hoạch. iPhone 3GS 16GB là mặt hàng bán chạy nhất từ Viettel.

Trong khi đó quản lý cửa hàng PhonGee (TP HCM), một đơn vị đại lý bán iPhone từ Viettel xác nhận, “các bản 3GS do nhà mạng này nhập về là hàng tồn từ Apple”. Anh Phong cũng cho biết, iPhone của “Quả táo” hiện chỉ có bản 3GS 8GB và các model iPhone 4 mới nhất.

Apple hiện chỉ sản xuất iPhone 3GS bản 8GB.

Các bản iPhone 3GS mới do Viettel đưa về vẫn giữ nguyên mức giá và các điều khoản trong hợp đồng sử dụng như trước đây. Theo đó, người dùng có thể chọn bản quốc tế hoặc khóa mạng. Hình thức cam kết có 4 gói cước trả sau và một một cam kết.

3.000 chiếc iPhone 3GS 16GB mới về đã bắt đầu được bán ra trên thị trường. Đây là lo hàng thứ hai sau 10.000 máy nhập đợt đầu và bán ra từ 26/3.

Hiện ngoài Viettel, còn có VinaPhone đang bán iPhone tại Việt Nam. Mobifone đầu năm cũng thông báo đã giành được hợp đồng phân phối, tuy nhiên đến nay nhà mạng này vẫn chưa có động tĩnh gì thêm.

Đầu tháng 6, VinaPhone cho biết, họ sẽ bán bản iPhone 4 tại Việt Nam trong một vài tháng tới. Hiện chiếc di động mới nhất từ Apple đã có mặt tại 22 quốc gia và vũng lãnh thổ, các nước gần Việt Nam như Hong Kong, Singapore… mới đây đã bán ra thiết bị này.

Mánh kinh doanh của các đại lý SIM, thẻ

130% là mức khuyến mại lớn nhất mà cả 3 mạng di động lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone đang áp dụng. Tuy nhiên, các đại lý còn tự tạo ra sốc bằng tiền tặng vào tài khoản cho khách hàng còn “khủng” hơn nhiều – gần 250%.

sim

Thị trường thẻ cào đang bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt. Ảnh: Nhật Minh.

Trong 3 ngày 26/8 – 28/8, tại 2 địa điểm bán sim thẻ ở Phùng Khoang (Hà Nội), người đến nạp tiền đông nghẹt. Nguyên nhân là mức khuyến mại tối đa được các cửa hàng này công bố không chỉ là 130% mà khách hàng có thể được tặng số tiền vào tài khoản tương đương với gần 250% giá trị thẻ cào.

Để thu hút khách hàng, chủ đại lý còn căng biển thông báo rõ số tiền mà khách hàng được tặng như nạp 50.000 đồng có ngay 130.000 đồng trong tài khoản (tặng 160%), nạp 120.000 đồng có 390.000 đồng (tặng 225%). Đặc biệt, nạp 290.000 có 1 triệu đồng (tặng gần 250%), nạp 360.000 có ngay 1,17 triệu đồng.

Tại một điểm bán thẻ khác ở ngõ 43 Phùng Khoang, Hà Nội, các quảng cáo về khuyến mại thẻ cào “khủng” cũng khiến cho người qua đường phải giật mình: Nạp 50.000 đồng được 150.000 đồng; Nạp 100.000 đồng được 250.000 đồng. Nạp 130.000 đồng được 400.000 đồng trong tài khoản. Đặc biệt khi nạp 300.000 đồng sẽ có 1 triệu đồng trong tài khoản.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, để có thể đưa lại lợi ích về tặng tài khoản đối với thẻ nạp tiền cao hơn cả mức của nhà cung cấp cho phép, chủ điểm bán SIM, thẻ đã chấp nhận phụ thêm tiền vào tài khoản tiền của khách hàng. Sau đó, “bắn” số tiền từ tài khoản chính của khách hàng vào một số máy khác của mình để chia tiền khuyến mại. Nói cách khác, chủ điểm bán sim thẻ đã chấp nhận phần thiệt trong khuyến mại để bán được nhiều hơn cho các khách hàng.

Chẳng hạn, nếu khách hàng nạp 50.000 đồng thì chủ cửa hàng sẽ bù cho khách 50.000 đồng nữa để nạp thẻ có mệnh giá 100.000 đồng. Sau khi nạp thẻ, số tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ có 230.000 đồng (gồm cả tài khoản chính 100.000 đồng và tài khoản phụ 130.000 đồng).

Tiếp đó, chủ cửa hàng sẽ bắn 95.000 đồng từ tài khoản gốc của khách hàng vào một số điện thoại của mình để hưởng mức khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp. Nghĩa là họ chỉ bỏ ra 50.000 đồng để thu về 95.000 đồng khuyến mãi và 5.000 đồng phí chuyển tiền. Còn khách hàng thì nhận được số tiền 130.000 đồng trong tài khoản khuyến mại. Cách làm tương tự cũng áp dụng với các thẻ cào có mệnh giá lớn hơn.

Ngoài việc khuyến mại thẻ cào “khủng”, các cửa hàng, đại lý thẻ SIM còn chạy đua bán phá giá thẻ SIM để câu khách. Một chiếc SIM mệnh giá 65.000 đồng (bộ nạp sẵn 50.000 đồng) nhưng các điểm bán sim thẻ thường chỉ bán với giá cao nhất 45.000 – 50.000 đồng và có sẵn từ 145.000 -147.000 đồng trong tài khoản, tùy loại SIM.

Phó giám đốc Công ty Viettel Telecom – Bùi Quang Tuyến cho hay hiện tượng trên bắt đầu rộ lên từ cách đây vài tháng khi các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường chương trình khuyến mãi.

Ông Tuyến cho rằng, “chiêu thổi giá” của các cửa hàng, đại lý trên theo ông Tuyến không phạm luật mà chỉ là hình thức “lách công nghệ”. Về cơ bản, khách hàng là đối tượng được lợi khi số tiền bắn vào tài khoản nhiều hơn và đại lý cửa hàng cũng kiếm lợi chút ít, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ là thiệt thòi.

Theo nguồn tin từ các mạng di động khác, sự cạnh tranh quá lớn đã buộc các đại lý sim thẻ phải chấp nhận “ăn ít” để bán được nhiều hàng. Đối với một số loại sim thẻ khó bán như Vietnamobile, Beeline, một số đại lý thậm chí ngưng nhập hoặc chấp nhận bán lỗ chút ít để khỏi bị đọng vốn.

Giới chuyên gia nhận định cạnh tranh trên thị trường viễn thông giờ đây không còn là câu chuyện riêng của các hãng di động mà còn là cuộc chiến quyết liệt giữa các cửa hàng đại lý bán thẻ cào…

Theo SH

Viettel, VinaPhone, MobiFone, liên danh EVN-HT trúng tuyển 3G

Vào lúc 3 giờ chiều nay (2/4/2009), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức công bố tên của 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trúng tuyển 3G gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone và cuối cùng là liên danh giữa EVN Telecom và Hanoi Telecom.

evn-telecom

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, vì khả năng 3 “đại gia” GSM trúng tuyển là rất cao. Sự hồi hộp chờ đón kết quả phần lớn chỉ nằm ở chiếc vé 3G duy nhất còn lại trong tổng số 4 giấy phép. Kết quả, liên danh EVNTelecom-HT đã vượt qua S-Fone để giành tấm vé cuối cùng này.

Trong thời gian 3 tháng kể từ hôm nay, các doanh nghiệp trúng tuyển sẽ phải hoàn tất các thủ tục có liên quan như: đặt cọc, thiết lập hệ thống kỹ thuật, thiết bị… Sau đó, Bộ TT&TT sẽ kiểm tra và chính thức cấp giấy phép thiết lập mạng và cấp phép tần số. Thời điểm các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng nhanh nhất là sau 1 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép, và chậm nhất là sau 9 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép.

Trả lời báo giới về mức cước phí của dịch vụ 3G khi cung cấp ra thị trường, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, chắc chắn, cước phí của dịch vụ thoại 3G sẽ chỉ ngang bằng với dịch vụ thoại của các mạng di động 2G hiện nay. Còn điểm nhấn chính của công nghệ 3G là giá cước của các dịch vụ dữ liệu, thì sẽ do các DN quy định. Bộ TT&TT không quản lý giá của tất cả các loại dịch vụ và tất cả các DN, mà chỉ quản lý giá cước của một số dịch vụ cơ bản và DN có thị phần khống chế.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT, 6 hồ sơ dự thi đã đều qua được vòng sơ tuyển. 4 DN trúng tuyển theo thứ tự số điểm từ cao xuống thấp (/1000 điểm):

  1. Viettel: 966,67 điểm
  2. Vinaphone (thuộc VNPT): 620,96 điểm
  3. Mobiphone (thuộc VMS): 563,91 điểm
  4. Liên danh EVN-HT: 430,65 điểm
  5. GTel : 271,50 điểm
  6. SPT : 268,66 điểm

Kỳ vọng lớn vào thị trường 3G ở Việt Nam khiến cuộc đua giành chiếc vé cấp phép dịch vụ này của các DN viễn thông Việt Nam nóng hơn bao giờ hết. Số tiền đặt cọc với nhà nước để được phép cung cấp dịch vụ và số tiền cam kết đầu tư của các DN cũng là những con số gây bất ngờ. Chẳng hạn, Viettel Telecom cam kết sẽ chi 12.789 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong 3 năm đầu, và đặt cọc 4.500 tỷ đồng, bỏ khá xa cam kết của các đối thủ cạnh tranh.

Tổng số tiền cam kết đầu tư trong 3 năm đầu của cả 4 nhà cung cấp dịch vụ lên đến 33.822 tỷ đồng. Tổng số tiền đặt cọc là 8.100 tỷ đồng.

Trả lời báo giới về số phận của các DN không trúng tuyển đợt này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, nếu vẫn muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ 3G, các DN này có thể hợp tác với các DN trúng tuyển để cung cấp dịch vụ trên cơ sở thương lượng với nhau. Hoặc, các DN cũng có thể cung cấp dịch vụ 3G trên các băng tần khác đã có (không phải là trong băng tần 1900 – 2200 MHz của lần cấp phép này. PV)

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, sau khi các DN đã được cấp phép, Bộ TT&TT trong vao trò là cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát, để xem các DN có thực hiện đúng như họ đã cam kết hay không?(về số trạm BTS, các thiết bị hạ tầng, số vốn đầu tư…). Tùy từng mức vi phạm cam kết, các DN sẽ bị phạt tiền. Nếu trong vòng 24 tháng mà DN được cấp phép không đảm bảo cung cấp dịch vụ ra thị trường đến 10% dân cư, thì sẽ bị thu hồi giấy phép.

Ngày 23/3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt kết quả trúng tuyển nói trên. Theo Bộ TT&TT, cuộc thi tuyển 3G này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành công khai minh bạch theo quy định của pháp luật về viễn thông, thông lệ quốc tế và các cam kết của VN khi gia nhập WTO.

Các giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200 MHz và giấy phép băng tần có giá trị trong thời hạn 15 năm.

(Theo Vietnamnet)

Mạng di động xuất sắc nhất 2008 sắp mở đại tiệc

MobiFone đang xem xét miễn cước cuộc gọi hoặc SMS để tri ân khách hàng sau khi đoạt ‘cú đúp’ tại Vietnam ICT Awards, gồm giải danh giá nhất “Nhà cung cấp dịch vụ di động xuất sắc nhất”.

mobiphone

Khách hàng của MobiFone sẽ được hưởng SMS hoặc thoại miễn phí trong một thời gian nhất định nhân sự kiện MobiFone nhận giải thưởng Vietnam ICT Awards.

Ngày 14/3/2009, Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2008 (Vietnam ICT Awards) – Giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã trao 21 giải thưởng cho các doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực chính gồm: Dịch vụ thông tin di động, Internet; Công nghiệp CNTT; Đào tạo nhân lực CNTT; và ứng dụng CNTT.

Trong nhóm giải thưởng này, di động là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm nhiều nhất và cũng là lĩnh vực “nóng” nhất trong cả quá trình chấm giải của Hội đồng giám khảo. Các kết quả tổng hợp qua vòng sơ khảo cho thấy các con số của Viettel và MobiFone luôn bám đuổi nhau rất sát và bỏ xa các mạng di động khác. Các chỉ số trong lĩnh vực di động từ vùng phủ sóng, số thuê bao, chăm sóc khách hàng, chất lượng dịch vụ và doanh thu… chỉ là cuộc cạnh tranh giữa Viettel và MobiFone.

Vượt qua đối thủ ngang sức, ngang tài Viettel, MobiFone đã đạt hai trong số giải thưởng trong lĩnh vực di động của Vietnam ICT Awards gồm giải thưởng chính danh giá nhất là “Nhà cung cấp dịch vụ di động xuất sắc nhất” và giải phụ “Nhà cung cấp dịch vụ di động chăm sóc khách hàng tốt nhất”.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết mạng di động này sẽ mở đại tiệc tri ân khách hàng nhân sự kiện MobiFone nhận giải 2 giải thưởng của Vietnam ICT Awards. “Đây là lời cảm ơn đối với những khách hàng đã sử dụng mạng di động MobiFone và cũng là lời cảm ơn đối với những người đã giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời gian qua” ông Lê Ngọc Minh nói. Nguồn tin từ MobiFone cho hay mạng di động này đang xem xét có thể tri ân khách hàng bằng việc miễn phí cước cuộc gọi hoặc SMS trong một thời gian nhất định.

Theo Thứ trưởng Bộ TT &TT Trần Đức Lai, đây là giải thưởng chính thức do Bộ TT &TT tổ chức, thể hiện rõ vai trò thanh tra, kiểm tra, xử phạt và tôn vinh của cơ quan quản lý nhà nước. Giải thưởng CNTT -TT Việt Nam không xét tặng cho cá nhân, sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Với quan điểm vì lợi ích của người dân, Giải thưởng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nâng cao chất lượng dịch vụ cộng đồng, chăm sóc khách hàng, xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, phát triển nhanh nhưng có định hướng góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Thứ trưởng Bộ TT &TT Trần Đức Lai khẳng định, quy trình xét chọn giải thưởng được tổ chức chặt chẽ và khoa học, đảm bảo đáp ứng tốt nhất các tiêu chí dân chủ – công khai và minh bạch. Điều này thể hiện qua quy chế xét giải dựa trên nhiều số liệu từ nhiều khảo sát nghiên cứu độc lập khác nhau.

Theo ICTnews

Chăm sóc thuê bao trả sau: Sẽ đi đến đâu?

Trước ngút ngàn những phản hồi, đề nghị, yêu cầu của người tiêu dùng chỉ riêng về dịch vụ di động trả sau, ba “nhà mạng” lớn nhất hiện nay của Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel đã gửi đến VietNamNet những thông tin chính thức của mình…

dien-thoai

Năm 2009, thuê bao di động trả sau tại VN sẽ được quan tâm hơn?

Thua thiệt cũng chỉ có hạn…

Trong suốt 12 năm sử dụng dịch vụ, mỗi tháng cước phí đều đặn từ 300.000-500.000 đồng, tổng chi khoảng gần 60 triệu đồng của 1 khách hàng, không những họ không được nhận lại bất kỳ sự chăm sóc, quan tâm, chào hỏi nào của nhà cung cấp, mà còn, nếu lỡ chậm nộp cước vài ngày là điện thoại y như rằng “tò te… tịt”.

Sức chịu đựng của mỗi người có hạn. Rất nhiều người đã bực bội bỏ đi, nhưng cũng còn nhiều người vì bận rộn công việc nên dễ bỏ qua, hàng ngày vẫn cần mẫn sử dụng dịch vụ và đóng góp vào sự phát triển của các DN cung cấp dịch vụ.

Sự thức tỉnh của VinaPhone và các bài phản ánh trên VietNamNet đã là dịp để những người tiêu dùng “dễ thương và dễ tính” nhìn lại. Rất nhiều phản hồi đã gửi về VietNamNet. Người thì bức xúc: “Các DN ăn xổi ở thì”, “phải kiện các DN vì “tội” đối xử không công bằng”, DN coi thường khách hàng, bạc bẽo…

Đồng tình với chị Thu Liên, nhiều người phản đối các nhà mạng bằng những lời nhẹ nhàng hơn: Nhà mạng như anh chồng ngoại tình “chạy theo phở mà quên cơm”, “Vợ già cứ chung thủy chờ đợi, một ngày đẹp trời, anh ấy sẽ nhận ra”, “Vợ cũ thì ít khi đặt vấn đề bỏ chồng vì vướng các vấn đề như con cái”, “bắt chẹt người đã yêu thương mình bao lâu nay”…

Tuy nhiên, trong đó, cũng có những đề nghị nghiêm túc mà các nhà mạng nên lắng nghe, để chừng nào sức chịu đựng của các khách hàng có thể.

DN “đại gia” cần học tập… quầy bán gạo

Ý kiến của độc giả Lê Văn Hóa ở Đà Nẵng khá thú vị: 6 năm rồi anh dùng thuê bao trả sau 091, mỗi tháng trả cước cho nhà mạng bình quân 500.000 đồng, nhiều gấp rưỡi số tiền mà vợ anh trả cho một quầy bán gạo nhỏ lẻ hằng tháng. “Thế mà, vợ tôi vẫn hay nhận được quà biếu, quà khuyến mại, quà cuối năm và lịch Tết của quầy gạo…”, trong khi DN bán dịch vụ điện thoại cho anh thì CHƯA TỪNG!, anh Hóa nhấn mạnh.

Vậy, những DN di động “đại gia” nổi tiếng, với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm có cần học tập một quầy bán gạo nhỏ không?

Thu cước trả sau không linh hoạt

Đặc thù của các thuê bao trả sau là dùng xong thì mới thu cước. Vì vậy không tránh khỏi tình trạng “chắc lép” của nhà mạng, lo ngại chuyện những khách hàng cố tình “bùng” cước. Mách khóe này của những người dùng xấu cũng không thiếu, chẳng hạn: trước khi chuyển địa điểm nộp cước thì gọi cho thật “đã” rồi bỏ luôn số hoặc sang nước ngoài dùng roaming “xả láng” rồi ở lại luôn…

Hậu quả của việc “chắc lép” của các nhà mạng như độc giả Hoàng Tùng ở Quảng Ninh bức xúc: Quê anh ở Hải Phòng, ra Quảng Ninh làm việc. Hằng tháng, anh phải đến Bưu điện Quảng Ninh nộp cước. Nếu đến muộn sau 5h, thì các anh chị nhân viên hết giờ làm việc, còn anh thì khó “ăn cắp giờ Nhà nước” trước 5h chiều. Thứ 7, Chủ nhật anh lại về quê Hải Phòng. Vì điều kiện riêng của mình, anh Tùng đã ra Bưu điện Hải Phòng xin nộp cước, nhưng không thể, anh phải về đúng nơi đăng ký là Quảng Ninh để nộp cước. Vì thế, đã vài lần anh bị “ông” nhà mạng “cắt phéng” liên lạc.

Chung ý kiến này, các độc giả cũng kiến nghị, nhà mạng nên xem lại việc thu cước, nộp cước cho linh hoạt, chẳng hạn như: nộp cước phí bằng thẻ cào…

Về những đãi ngộ nào mà các thuê bao trả sau của cả 3 nhà mạng GSM VinaPhone, MobiFone và Viettel sẽ nhận được trong thời gian tới, VietNamNet đã trao đổi với đại diện của 3 nhà mạng.

– VietNamNet: Ý kiến của các ông như thế nào về những phản hồi của độc giả VietNamNet trong những ngày qua về dịch vụ di động trả sau?

Viettel: – Xin cảm ơn những ý kiến đóng góp của khách hàng. Thực tế trong năm 2008, Viettel đã thực hiện khá nhiều chương trình chăm sóc khách hàng trong đó, đối tượng khách hàng trả sau được quan tâm đặc biệt. Hiện tại Viettel Telecom đang chi trả một nguồn kinh phí lớn cho công tác chăm sóc khách hàng trả sau – khoảng 20% doanh thu khách hàng mang lại. Trong đó: 100% khách hàng được chăm sóc gián tiếp qua các hình thức trừ tiền vào thông báo cước và gần 30% trong tổng số gần 30 triệu khách hàng được chăm sóc trực tiếp tại nhà bằng hình thức tặng quà.

Viettel có gần 10.000 nhân viên trên toàn quốc tham gia vào công tác chăm sóc khách hàng, chiếm ¾ tổng nhân viên của toàn tổng công ty. Công tác chăm sóc khách hàng được Viettel luôn coi trọng từ khi khai trương dịch vụ, và chúng tôi cam kết luôn có những chính sách và hoạt động để quan tâm đến khách hàng hơn nữa.

MobiFone: – MobiFone vẫn luôn đánh giá cao khách hàng dùng dịch vụ trả sau và trả trước đều có ưu đãi. Riêng với các thuê bao trả sau, trong thời gian qua MobiFone đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, ngoài các chương trình thường xuyên như: Chúc mừng sinh nhật (tặng hoa, quà tặng mỗi khi sinh nhật khách hàng cá nhân hoặc ngày thành lập của tổ chức), tặng quà cho thuê bao lâu năm, thuê bao cước cao, quà tặng mừng xuân mới, chương trình Khách hàng VIP, các chương trình cho nhóm khách hàng sử dụng trả sau như: chương trình Kết nối dài lâu (xếp hạng khách hàng tặng cước sử dụng và tặng các quyền lợi khác, từ 1-5% cước sử dụng hằng tháng), kết nối đồng nghiệp (giảm đến 30% cuộc gọi trong nhóm), cả nhà đều vui (giảm 50% cước cuộc gọi trong nhóm).

Ngoài ra, chúng tôi cũng có các chương trình chăm sóc khách hàng doanh nghiệp có nhiều thuê bao, tổ chức các hội nghị khách hàng VIP, hội nghị khách hàng tại các tỉnh để tư vấn dịch vụ, cảm ơn khách hàng, có ưu đãi cho khách hàng tham dự các sự kiện lớn của MobiFone.

– Một nhà mạng là VinaPhone đã khẳng định sẽ có chiến lược chăm sóc tối đa cho các khách hàng trả sau trong năm 2009 này, và được rất nhiều người dùng đồng tình. Vậy MobiFone, Viettel có động thái gì hay xây dựng một chiến lược nghiêm túc nào đó về vấn đề này không? Những ưu đãi cụ thể đối với khách hàng trả sau trong năm 2009 là gì?


Viettel: – Trong năm 2008, Viettel đã có khá nhiều chương trình chăm sóc, đãi ngộ khách hàng trả sau. Vào tất cả các dịp lễ Tết: 8/3, 30/4, 1/5, sinh nhật Viettel 4 tuổi, 22/12, Tết… chúng tôi đều có chương trình trừ tiền vào thông báo cước, hoặc
chương trình “Tặng 100 đ/1phút nhận cuộc gọi”, chương trình Viettel Privilege cho khách hàng trả sau, chương trình quà tặng đặc biệt hằng tháng tập trung vào các khách hàng trả sau như: VIP sân bay, tặng quà sinh nhật hằng tháng, tập trung vào các khách hàng trả sau.

Trong thời gian tới, Viettel tiếp tục các chương trình chăm sóc khách hàng lâu dài và xuyên suốt như chương trình Viettel Privilege. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng tới các khách hàng trả sau ở phân đoạn cước trung bình và thấp, đảm bảo tất cả các khách hàng đều được chăm sóc.

MobiFone: – Chúng tôi luôn luôn xác định khách hàng trả sau là những khách hàng VÀNG theo đúng tên gọi MobiGold. Chúng tôi cam kết làm tốt công tác chăm sóc khách hàng trả sau hơn nữa trong năm 2009 này.

Hiện nay chúng tôi đang dẫn đầu các chỉ tiêu phục vụ khách hàng và tiếp tục đầu tư rất mạnh cho công tác chăm sóc khách hàng, đặc biệt là tăng thêm ưu đãi cho khách hàng trả sau. Chính sách chăm sóc thuê bao trả sau thể hiện trên mọi mặt: chất lượng dịch vụ cao hơn, sử dụng được nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn: roaming quốc tế, gói cước GPRS không giới hạn, chuyển cuộc gọi, dùng chung sóng với mạng khác… Năm 2009, chúng tôi sẽ hợp tác thêm với các ngân hàng để gia tăng thêm tiện ích cho các khách hàng trả sau.

VinaPhone: Ngoài các chương trình đãi ngộ với thuê bao trả sau mà VinaPhone đang triển khai như: miễn phí divert cuộc gọi, tặng các tin nhắn miễn phí và ưu đãi cách biệt về các dịch vụ gia tăng trên mạng dành cho thuê bao trả sau, ví dụ: Infoplus, careplus, datasafe,….

Năm 2009, VinaPhone sẽ tiếp tục tập trung phát triển mạnh các dịch vụ gia tăng giá trị dành cho thuê bao trả sau và triển khai các chương trình khuyến mại, giảm cước lớn khác cho khách hàng trả sau.

– Xin cảm ơn các nhà mạng.

Theo VietNamnet

MobiFone lại giành “ngôi vương” của Vietnam Mobile Awards 2008

Bắt đầu từ 17h chiều nay, 21/2/2009, lễ công bố giải thưởng bình chọn mạng, hãng di động của cộng đồng mobile Việt Nam (VietNam Mobile Awards 2008) đã diễn ra tại Khách sạn Sofitel Plaza, 17 Lê Duẩn, Q.1 TP. HCM.

vietnam-mobile-awards

Giáo sư John A.Quelch – Trường Kinh doanh Harvard- phát biểu tại Lễ trao giải Vietnam Mobile Awards 2008. Ảnh: Hoài Sơn

Lúc 17h chiều nay, 21/02/2009, Đại sảnh của Khách sạn Sofitel Plaza 17 Lê Duẩn, Q.1 TP. HCM đã nhộn nhịp hơn hẳn mọi ngày với sự xuất hiện của các khách mời tới dự lễ trao Giải thưởng Vietnam Mobile Awards (VMA) 2008 – giải thưởng thường niên và duy nhất dành riêng cho các sản phẩm và dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam.

Giải thưởng là một trong những hoạt động trọng tâm hàng năm của báo VietNamNet và tạp chí e-CHÍP nhằm tôn vinh các mạng, hãng di động, nhà bán lẻ điện thoại di động được người tiêu dùng ưa chuộng nhất trong năm.

vietnam-mobile-awards-2

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: “Dù có giành giải hay không thì tất cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng đều “được”, bởi qua đây, các mạng, hãng và nhà bán lẻ di động sẽ nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng để cải tiến, nâng cấp dịch vụ tốt hơn”. Ảnh: Hoài Sơn

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đỗ Quý Doãn làm “dịu” đi cảm giác trông đợi của đại diện các hãng, mạng và nhà bán lẻ điện thoại di động có mặt trong hội trường khách sạn Sofitel Plaza (17 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM) đang hồi hộp chờ đón kết quả VMA 2008. “Tôi lấy làm vui mừng khi được trò chuyện cùng mọi người trong không khí thân mật và cũng không kém phần hồi hộp”- Thứ trưởng nói và dừng lại ít giây.

“Tôi nói hồi hộp vì hiện kết quả đang nằm trong tay ban tổ chức và chúng ta phải chờ thêm ít phút nữa mới biết được chính xác chủ nhân các giải thưởng về viễn thông, hãng di động và các nhà bán lẻ điện thoại di động được ưa chuộng nhất năm do khách hàng – những bạn đọc của Báo điện tử VietNamNet, Tạp chí e-CHÍP Mobile đánh giá và chọn lựa”.

vietnam-mobile-awards-3

Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại lễ trao giải VMA 2008. Ảnh: Hoài Sơn

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đánh giá cao sáng kiến của Tạp chí e-CHÍP Mobile khi tổ chức giải thưởng này, vừa tạo sự kết nối giữa nhà cung cấp với người tiêu dùng, đồng thời “ngầm” thúc đẩy các nhà cung cấp cạnh tranh chất lượng dịch vụ một cách lành mạnh.

“Hẳn mọi người đồng ý với tôi, sự chọn lựa của số đông các “thượng đế” bao giờ cũng đúng”, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói. “Và càng có giá trị hơn khi đây là sự đánh giá bình chọn do Tạp chí e-CHÍP Mobile và Báo VietNamNet đã thực hiện thành công qua 4 lần liên tiếp tổ chức. Điều đó đủ nói lên tầm vóc, uy tín cũng như những bản sắc mà Giải thưởng này đã hình thành được trong xã hội”.

vietnam-mobile-awards-4

TBT Báo điện tử VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại lễ trao giải Vietnam Mobile Awards2008. Ảnh: Phan Công.

Đại diện phía Ban tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet đã gửi lời cám ơn đến các độc giả – những khách hàng tham gia bỏ phiếu bình chọn. “Cám ơn bạn đọc VietNamNet, Tạp chí e-CHÍP đã bình chọn, đã nói lên tiếng nói của mình về dịch vụ, đã chọn ra những sản phẩm được ưa chuộng nhất, những nhà cung cấp được tin cậy nhất trong năm 2008. Đây chắc chắn là kết quả khách quan nhất.”

“Chúng tôi luôn đồng hành cùng các bạn, những người tiêu dùng. Bảo vệ khách hàng bằng thông tin, chính là một phần trong tiêu chí mà chúng tôi đang hướng tới.”

Tổng Biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn cho biết sự lựa chọn của khách hàng qua việc bình chọn các giải thưởng cũng là một cách cho thấy VietNamNet, Tạp chí e-CHÍP luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ trên mobile và trong tương lai tiến vào thế giới của mạng điện thoại 3G.

“Với sự phát triển và tiến bộ không ngừng của xã hội, chúng ta đều mong muốn được nhà nước mở cửa, tạo mọi chính sách, cơ chế liên doanh để phát triển xã hội thông tin trên hệ thống mibile. Đây cũng là cách để chúng ta cùng đất nước vượt khó khăn, vững bước vào tương lai”- Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn nói.

Có mặt trong buổi trao giải VMA 2008, Giáo sư John A.Quelch, Trường Kinh doanh Harvard – người được mệnh danh là “thầy phù thủy” marketing – cho biết ông rất ngạc nhiên trước sự phát triển của mạng điện thoại và các sản phảm điện thoại di động tại thị trường Việt Nam.

vietnam-mobile-awards-5

Ban Tổ chức VMA 2008 cùng những đơn vị đoạt giải chụp hình lưu niệm. Ảnh: Hùng Trọng

“Đại gia” tiếp tục giành giải

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc mạng bán lẻ Thế giới di động, đơn vị đoạt giải “Nhà bán lẻ được yêu chuộng nhất” và “Nhà bán lẻ có giá tốt nhất” cho biết cả hai giải đều là niềm tự hào lớn của Thế giới di động, vì đều nhằm vào yếu tố phục vụ tốt khách hàng. “Với Thế giới di động, giá không phải là mục tiêu, là giải pháp cạnh tranh hàng đầu. Nhưng chúng tôi phải xây dựng giá tốt nhất, vì điều đó hướng tới quyền lợi người tiêu dùng”- ông Tài nói.

Ông Lê Ngọc Minh – Giám đốc Công ty VMS MobiFone, đơn vị đoạt giải “Chăm sóc khách hàng tốt nhất” hồ hởi nói: “Đây là niềm vui mà cũng là nỗi lo, vì như vậy VMS MobiFone phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững niềm tin có được này”.

Ông Minh cho biết đã 4 năm liền được bạn đọc bình chọn, điều đó thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi của VMS MobiFone đã có được thành quả. “Chúng tôi hứa sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng mạng lưới, xây dựng tiện ích, chăm sóc khách hàng để có những dịch vụ tốt, xứng đáng với niềm tin được khách hàng dành cho”- ông Minh khẳng định.

Giải thưởng VMA được Tạp chí e-CHÍP Mobile khởi xướng từ năm 2005, là một trong các hoạt động thường niên, uy tín của Tạp chí e-CHÍP (trực thuộc Báo VietNamNet).

Năm 2008 cũng là năm thứ ba liên tiếp Bộ TT&TT là đơn vị bảo trợ cho VMA 2008 – giải thưởng duy nhất chuyên về điện thoại di động do bạn đọc bình chọn. Đây là giải thưởng chính thống nằm trong hệ thống các giải thưởng của Bộ TT&TT.

Sau đây là kết quả các giải vừa được trao tại Vietnam Mobile Awards 2008, với giải thưởng quan trọng nhất – mạng di động được người tiêu dùng ưa chuộng nhất – tiếp tục thuộc về MobiFone.

vietnam-mobile-awards-6

Ông Lê Ngọc Minh nhận giải “Mạng di động được ưa chuộng nhất” từ Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn.

* Ông Lê Ngọc Minh – Giám đốc Công ty VMS MobiFone, đơn vị đoạt giải “Mạng di động được ưa chuộng nhất”: Đã 4 năm liền được bạn đọc bình chọn, điều đó thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi của VMS MobiFone đã có được thành quả.

Khách hàng sử dụng dịch vụ thông thường quan tâm đến hai vấn đề, đó là giá và chăm sóc khách hàng.

Chúng tôi hứa sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng mạng lưới, xây dựng tiện ích, chăm sóc khách hàng để có những dịch vụ tốt, xứng đáng với niềm tin được khách hàng dành cho

vietnam-mobile-awards-7

Ông Nguyễn Đức Tài Với Thế giới di động, giá không phải là mục tiêu, là giải pháp cạnh tranh hàng đầu.

* Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc mạng bán lẻ Thế giới di động, đơn vị đoạt giải “Nhà bán lẻ được yêu chuộng nhất” và “Nhà bán lẻ có giá tốt nhất”:   Đây là niềm tự hào lớn của Thế giới di động, vì đều nhằm vào yếu tố phục vụ tốt khách hàng. “

Với Thế giới di động, giá không phải là mục tiêu, là giải pháp cạnh tranh hàng đầu.

Nhưng chúng tôi phải xây dựng giá tốt nhất, vì điều đó hướng tới quyền lợi người tiêu dùng”- ông Tài nói.

* Trần Công Tường, bạn đọc được trúng giải trong tham gia bình chọn nhà cung cấp dịch vụ và phân phối sản phẩm:

Tôi truy cập VietNamNet mỗi ngày. Tôi thích đọc nhất là các mục bình luận và thời sự, và gần đây nhất là chuyên mục “Bảo vệ người tiêu dùng bằng thông tin”.

Tôi biết giải Mobile Awards từ năm 2007. Theo dõi 3 năm nay, tôi thấy đây có lẽ là giải có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực mobile và viễn thông. Chính những giải như thế này giúp DN có cơ hội quảng bá thương hiệu, đưa dịch vụ và sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng.

Đồng thời, qua việc bình chọn của bạn đọc là khách hàng, DN sẽ nhận ra mình, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, vươn lên cạnh tranh lành mạnh. Nhờ đó sẽ có một thị trường điện thoại, Internet và viễn thông tốt, người tiêu dùng có nhiều hàng hóa, dịch vụ để chọn lựa.

Chính nhờ ấn tượng về giá trị của giải này mà tôi tham gia vào mạng bình chọn. Tôi nghĩ, việc tham gia bình chọn cũng là một cách tham gia ủng hộ giải, ủng hộ VietNamNet và e-CHÍP.

Sau đây là kết quả chi tiết các giải thưởng vừa được trao tại Vietnam Mobile Awards 2008:

Mạng di động được ưa chuộng nhất năm 2008

MobiFone

Mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất

MobiFone

Mạng di động có hệ thống thương hiệu được nhiều người biết đến nhất

Viettel

Mạng di động có dịch vụ phi thoại tốt nhất

Vinaphone

Mạng di động có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất

Viettel

Mạng cố định không dây được nhiều người sử dụng nhất

E-Com

(EVN Telecom)

Hãng điện thoại di động được ưa chuộng nhất năm 2008

Nokia

Điện thoại di động nghe nhạc hay nhất

Sony Erisson W980

Điện thoại di động chụp hình đẹp nhất

Nokia N82

Điện thoại di động chơi game hay nhất

Nokia N95 8G

Điện thoại di động thời trang của năm

Nokia 6600 Slide/Fold

Điện thoại di động doanh nhân

Nokia E71

Điện thoại di động đa phương tiện

Nokia N96

Điện thoại di động có màn hình cảm ứng được ưa chuộng nhất

SamSung Omnia i900

Điện thoại di động giá rẻ hấp dẫn nhất

Nokia 1200

Nhà bán lẻ điện thoại di động được ưa chuộng nhất năm 2008

Thế giới di động

Nhà bán lẻ với giá tốt nhất

Thế giới di động

Nhà bán lẻ hỗ trợ khách hàng tốt nhất

Viễn thông A

Nhà bán lẻ triển vọng nhất

XNK Viettel

Đến 18h45 phút, lễ trao Giải thưởng Vietnam Mobile Awards 2008 đã kết thúc. Theo kết quả trao giải, MobiFone tiếp tục khẳng định uy tín và sự tín nhiệm của khách hàng khi lần thứ tư liên tiếp giành được danh hiệu Mạng di động được ưa chuộng nhất.

Viettel Mobile ngày càng khẳng định sự vững chắc và ổn định khi giành cả 2 giải “Mạng di động có hệ thống thương hiệu được nhiều người biết đến nhất” và “Mạng di động có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất”. Vinaphone cũng thể hiện nỗ lực phục vụ khách hàng tốt hơn năm 2007 khi xuất hiện trong nhóm giải thưởng quan trọng nhất ở nội dung “Mạng di động có dịch vụ phi thoại tốt nhất”.

Theo VietNamNet

Di động không nghẽn mạng dịp Tết

mobifone

MobiFone chống nghẽn mạng thành công trong dịp Tết Kỷ Sửu

Nhiều khách hàng đã không tập trung lưu lượng thoại và tin nhắn vào thời điểm giao thừa, giúp các mạng di động chống nghẽn mạng tốt nhất từ trước đến nay.

MobiFone lần đầu không nghẽn mạng lúc giao thừa

Trước đêm giao thừa, không ít chuyên gia đã dự kiến về khả năng nghẽn mạng nặng nề của các mạng di động bởi chỉ vài tuần trước đó các mạng đều tăng trưởng thuê bao với tốc độ cực lớn. Vì thế, đêm giao thừa – thời điểm vốn được coi là có chất lượng dịch vụ kém nhất của các mạng di động được các chuyên gia về kỹ thuật của MobiFone tập trung chuẩn bị như một cuộc “thử lửa” đầu tiên. Đây là thời điểm mà các sự cố kỹ thuật, sự quá tải về mạng lưới, nghẽn mạng… gần như chắc chắn xảy ra theo như kinh nghiệm của nhiều năm trước đó. Thế nhưng, vào đêm giao thừa, nghẽn mạng đã không xảy ra đối với các khách hàng của MobiFone.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết: Kinh nghiệm nhiều năm về xử lý sự cố nghẽn mạng đêm giao thừa đã được MobiFone tận dụng triệt để cho giao thừa Tết Kỷ Sửu năm nay. Thêm vào đó, việc tăng tốc đầu tư lớn, có hệ thống cho dung lượng và chất lượng mạng lưới trong năm 2008 chính là nhân tố quan trọng nhất giúp MobiFone đảm bảo an toàn và thông suốt liên lạc cho khách hàng trong tất cả các thời điểm của năm. Theo MobiFone, lưu lượng cuộc gọi và nhắn tin trung bình vào thời điểm ngày 30 Tết chỉ tăng khoảng 35% so với lưu lượng ngày thường (trong khi hệ thống dự phòng lên tới 200%). Bên cạnh đó, công tác xử lý kỹ thuật chống nghẽn mạng Tết Kỷ Sửu của MobiFone năm 2009 được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng là một nguyên nhân khác giúp hệ thống hoạt động thông suốt vào thời điểm khó khăn nhất trong năm về chất lượng mạng lưới. Việc gọi điện và nhắn tin của khách hàng trước thời điểm giao thừa nhiều hơn mọi năm cũng giúp cho hệ thống giảm được tải vào thời điểm chính giữa đêm giao thừa.

Viettel tuyên bố chống nghẽn mạng thành công

Theo con số của trung tâm kỹ thuật Viettel, đêm giao thừa lưu lượng thoại tăng 5 lần và lưu lượng tin nhắn tăng 4 lần so với ngày thường. Tính riêng từ 0h00 phút cho tới hết ngày mùng 1 Tết lưu lượng lên tới 300 triệu phút, tính trung bình gấp đôi ngày cao điểm nhất trong năm. Tuy nhiên với việc chuẩn bị hạ tầng mạng lưới sẵn sàng và với hệ thống trực đảm bảo mạng lưới lên tới hơn 2.000 cán bộ, gần như các cuộc thoại và tin nhắn đã được đảm bảo một cách tối đa. Số lượng tin nhắn và thoại lúc cao điểm nhất là thời khắc giao thừa cũng chỉ chiếm chưa tới 70% dung lượng mạng. ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho biết, đây là năm mà mạng di động của Viettel chống nghẽn thành công nhất từ trước đến nay, tuy nhiên, tại một vài nơi có xảy ra hiện tượng nghẽn cục bộ trong thời điểm rất ngắn.

Ông Hoàng Sơn cũng cho biết, đặc điểm năm nay khách hàng đã chia sẻ với nhà cung cấp dịch vụ là không dồn quá nhiều lưu lượng thoại và SMS chúc Tết vào thời điểm giao thừa. Thông thường mọi năm vào khoảng giao thừa lưu lượng thoại và SMS tăng mạnh nhất, nhưng năm nay lưu lượng đã trải đều ra lệch thời điểm giao thừa một chút nên thời điểm tăng lưu lượng mạnh nhất lại không phải là thời khắc giao thừa. Những tỉnh có lưu lượng tăng mạnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh… Theo thống kê của Viettel, lưu lượng khu vực phía Bắc tăng mạnh hơn khu vực phía Nam. ông Sơn khẳng định, Viettel đảm bảo liên lạc nội mạng thông suốt 100%, nhưng do kênh báo hiệu kết nối liên mạng bị quá tải nên việc kết nối giữa các mạng có thể có chút trục trặc nhỏ.

Mạng Vinaphone cũng thông mạch

Tương tự như mạng MobiFone và Viettel, ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc Vinaphone cho biết, Vinaphone đã chống nghẽn thành công vào dịp Tết Kỷ Sửu. Tuy nhiên, mạng di động này cũng bị nghẽn cục bộ trong thời gian ngắn ở một vài nơi do lưu lượng tăng đột biến nhưng số điểm này không đáng kể. Nếu như năm trước lượng SMS còn bị lưu lại thì năm nay Vinaphone đã đầu tư nâng cấp hệ thống này nên đảm bảo SMS lưu thoát 100%. Theo ông Hoàng Trung Hải, sở dĩ năm nay chống nghẽn tốt vì việc đầu tư cũng đã được triển khai mạnh. Bên cạnh đó, khách hàng đã hỗ trợ nhà mạng không dồn lưu lượng thoại và SMS quá nhiều vào thời điểm giao thừa.

Sau khi chống nghẽn mạng vào dịp Tết thành công, Vinaphone đang chuyển hướng sang phục vụ chống nghẽn cho các điểm lễ hội và vui chơi như Chùa Hương, Yên Tử, Vũng Tàu, Mũi Né.

Liên lạc tại các địa phương đảm bảo

Mặc dù đây đó vẫn xảy ra hiện tượng nghẽn mạng cục bộ trong thời gian ngắn, nhìn chung dịch vụ viễn thông tại các địa phương cả nước đã được đảm bảo khá tốt trong dịp Tết.

Tại tỉnh Nghệ An, ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở TT &TT tỉnh cho biết, dịch vụ thoại của cả mạng điện thoại di động và cố định trên địa bàn tỉnh thông suốt trong cả dịp Tết Kỷ Sửu, kể cả lúc cao điểm là đêm giao thừa và sáng mồng một Tết. Tuy nhiên, vào trước và sau giao thừa, gửi SMS có gặp hiện tượng tắc nghẽn, từ 5 phút đến 25-30 phút. ông Thành cho biết các thuê bao của mạng di động Viettel ít gặp sự cố nhất, và nếu có bị tắc, nghẽn cũng chỉ trong khoảng 5 phút. Mạng Internet tại Nghệ An bị trục trặc từ khoảng 9h30 – 10 h tối ngày mồng 1 Tết (26/1) đến sáng hôm sau. Nguyên nhân được xác định là do cháy cáp viễn thông tại Bưu điện Hà Nội.

Tương tự như địa phương trên, ông Phan Quang Thao, Giám đốc Sở TT &TT Phú Thọ cho biết, tại địa bàn các mạng di động và cố định đều không có tình trạng nghẽn mạng. ông Thao cho rằng, ngoài việc đầu tư chống nghẽn của các mạng thì năm nay phải kể đến yếu tố khách hàng đã hỗ trợ nhà mạng không dồn lưu lượng thoại và SMS vào thời điểm giao thừa mà dàn đều ra trước và sau giao thừa. Tại Sơn La, ông Hà Ngọc Giang, Giám đốc Sở TT &TT Sơn La cho biết, quá trình theo dõi liên tục của Sở trong suốt dịp Tết cho thấy tình hình thông tin liên lạc đã được đảm bảo tốt, không có tình trạng nghẽn mạng hay sự cố truyền dẫn nào. Thông tin di động, thông tin cố định và thông tin bưu chính đều phục vụ tốt nhu cầu nhân dân. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hòa, Giám đốc Sở TT &TT Hưng Yên, qua theo dõi sơ bộ, mạng di động Viettel đã gặp phải tình trạng nghẽn mạng, trong khi đó mạng Vinaphone và Mobione đảm bảo thông tin thông suốt hơn. Ông Phạm Mã Hùng, Giám đốc Sở TT &TT Hà Giang cho biết, tại Hà Giang cả 3 mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel đều bị nghẽn cục bộ trong thời gian ngắn từ ngày 25 Tết đến mùng 1 Tết. Đối với dịch vụ cố định hữu tuyến thì không có hiện tượng nghẽn, nhưng dịch vụ cố định không dây GPhone cũng bị ảnh hưởng vì sử dụng hạ tầng của mạng Vinaphone.

Theo số liệu của Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ hệ thống thuê bao điện thoại cố định năm nay hoàn toàn không xảy ra tình trạng nghẽn mạng hoặc mất liên lạc. Tại một số tỉnh miền Nam có xảy ra hiện tượng các mạng di động chập chờn khó gọi vào giờ cao điểm. Tại miền Trung, báo cáo của Viettel Đà Nẵng cho biết, do tăng gấp đôi dung lượng tổng đài, nên Tết Nguyên đán lưu lượng cuộc gọi tuy có lớn hơn năm trước, nhưng cũng chỉ mới đạt 30% dung lượng tổng đài. Tương tự, Viettel Đắk Lắk tăng gần gấp 3 lần số trạm BTS trong năm 2008, từ 150 trạm lên 352 trạm. Trong dịp Tết Viettel Đắk Lắk nâng cấp cấu hình cho 50 trạm BTS để đảm bảo thông tin. Dung lượng cuộc gọi cũng tăng lên đến 60%. Chính bởi sự nâng cấp đồng bộ của các dịch vụ điện thoại là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm chất lượng cuộc gọi trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Theo Ictnews

Khuyến mãi tặng ĐTDĐ : Không phải của cho không

Nhiều hãng sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) đang phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ tung ra các gói khuyến mãi tặng máy điện thoại cho các thuê bao. Các gói này có thực sự hấp dẫn?

khuyenmai
Mua sim được tặng máy không lợi bằng mua máy rồi mua thêm sim khuyến mãi

Vào tháng 11.2008, MobiFone và Motorola tung ra chương trình mang tên “MoMo 1000” trong đó tặng kèm một bộ sim thuê bao trả trước có giá 498.000 đồng cho khách hàng mua ĐTDĐ W175 giá 499.000 đồng. Sau động thái này, các hãng đi động khác như Viettel, Vinaphone cũng lần lượt tung ra các gói dịch vụ tương tự. Với hai bộ hòa mạng SumoSim 1&2 lần lượt có mệnh giá 549.000 đồng và 569.000 đồng, khách hàng được sở hữu một máy Nokia 1200/Samsung E1110 với tổng tài khoản 560.000/572.000 đồng.

Tuy nhiên với các gói dịch vụ này, khách hàng không được hưởng ngay toàn bộ số tiền trong tài khoản mà chỉ được trung bình khoảng 30%, phần còn lại sẽ được tặng trải đều trong khoảng 12 tháng tiếp theo với mức trung bình 30.000 đồng/tháng.

Mới đây nhất, vào trước Tết Nguyên đán, Vinaphone cũng tung ra bộ hòa mạng trọn gói mang tên ALO156 và ALO202 bao gồm một máy điện thoại Huawei T156/T202 kèm sim card VinaPhone với tài khoản 210.000 đồng (trong đó gồm 50.000 đồng trong tài khoản chính, 160.000 đồng trong tài khoản khuyến mãi sau khi kích hoạt) và được cộng thêm 21.000 đồng hoặc 30.000 đồng/tháng vào tài khoản khuyến mãi trong 10 tháng tiếp theo. Mạng di động CDMA Sfone cũng không nằm ngoài cuộc khi tung ra các gói dịch vụ khi mua điện thoại ECO có giá từ 270.000 đồng được tặng tài khoản tới 880.000 đồng…

Mới nhìn qua các bộ hòa mạng tặng kèm điện thoại này dễ khiến người sử dụng “choáng” vì gần như được “cho không, biếu không”. Thế nhưng trên thực tế đã có nhiều khách hàng đã phải ngừng sử dụng dịch vụ này sau thời gian dùng thử. Theo anh Nghĩa, phụ trách bán hàng tại cửa hàng ĐTDĐ Đức Hiếu (308 Bà Triệu, Hà Nội), trung bình mỗi ngày cửa hàng này bán được khoảng 3-4 bộ hòa mạng kèm máy ALO của Vinaphone. Sức bán chỉ ở mức dưới trung bình vì thực ra máy cũng không đẹp, những người mua thường là những người có thu nhập thấp nhưng với mức giá như vậy họ lại thích mua chiếc Nokia 1200 và sau đó mua sim khuyến mãi hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian tung ra thị trường, gói dịch vụ “mua sim, tặng điện thoại” hiện gặp nhiều khó khăn mà một trong những lý do chính là người dùng bị khống chế chỉ được dùng mạng của nhà cung cấp, khoản tiền khuyến mãi khi chia đều cho cả năm cũng không lớn…

Anh Bùi Anh Tuấn, 30 tuổi, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội cho biết do có mức thu nhập thấp nên anh đã thử sử dụng một gói dịch vụ nói trên nhưng sau một thời gian thì quyết định bỏ vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất tưởng có khoảng 500.000 đồng trong tài khoản nhưng thực tế chỉ có hơn 100.000 đồng, phần còn lại chỉ được rải rác mỗi tháng chừng 30.000 đồng, chỉ chiếm dưới 10% so với mức cước phát sinh trung bình hằng tháng. Hơn thế nữa với các bộ hòa mạng tặng thêm máy này người sử dụng chỉ có thể dùng dịch vụ của mạng đó mà không thể chuyển sang mạng khác. Chính vì lý do này mà khi chất lượng dịch vụ có vấn đề hoặc người sử dụng muốn đổi mạng thì đành bó tay, anh Tuấn cho biết.

    Theo Thanh Niên Online

Thoại miễn phí với MoMo500 và MoMo1000

Motorola và MobiFone giới thiệu gói MoMo1000 và MoMo500 bao gồm máy Motorola W175 hay W156 và gói cước gọi cả năm với tổng giá trị trên 400 nghìn đồng.

1888

Motorola W156.

Với MoMo1000, bạn sẽ được một máy điện thoại Motorola W175, gói cước gọi cả năm với tổng giá trị là 499 nghìn đồng, trong đó giá trị gói cước đã là 498 nghìn đồng. Làm một phép tính đơn giản, bạn sẽ thấy chỉ cần 1.000 đồng là đã có được một chiếc W175 màn hình màu với những tính năng phục vụ nhu cầu giữ liên lạc, bộ nhớ tin nhắn và danh bạ lớn.

MoMo1000 vừa giới thiệu ra thị trường đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Trong đợt đầu, hơn 170.000 gói MoMo1000 được tung ra và tiêu hết trong vòng hơn 2 tháng.

Song song với MoMo1000, dịp cuối năm hai hãng này lại hợp tác giới thiệu MoMo500 với nhiều lợi điểm hơn.

Với gói cước MoMo500, bạn sẽ có máy điện thoại miễn phí và gọi cước đi kèm dùng cho cả năm.

nguồn Motorola