Tìm đường bằng điện thoại

10 ngày sau khi ra đời, Vimap đã thu hút được 1.800 người dùng đăng ký sử dụng có kích hoạt bằng tin nhắn và 7.000 lượt download phần mềm này từ trang web www.vimap.vn

Nhóm “khai sinh” Vimap

“Tổng độ dài đoạn đường là 2,6 km (16’): đi thẳng Võ Văn Tần 270 m, rẽ phải Cách Mạng Tháng Tám 830 m, rẽ trái 3 Tháng 2 1.030 m…”. Sau vài thao tác trên bàn phím điện thoại di động (ĐTDĐ), con đường mà chúng tôi cần đi từ tòa soạn đến rạp hát Hòa Bình đã được vẽ ra, cụ thể đến từng chi tiết thông qua Vimap.

Người dùng làm nên nội dung

Giao diện rất bình thường, điều khiến Vimap lập được con số kỷ lục này chính là tiện ích mà nó mang lại. Với ĐTDĐ có khả năng kết nối GPRS, Java 2.0 trở lên, chỉ cần cài đặt một trình ứng dụng chiếm dung lượng bộ nhớ vỏn vẹn 220 KB (ít hơn nhiều so với một bài nhạc), người dùng đã có thể tìm kiếm đường đi nhanh nhất cho mình.

Trên giao diện của một bản đồ số, người dùng sẽ xác định điểm đang ở và điểm đến, ứng dụng sẽ cung cấp trở lại lộ trình chi tiết bằng đường đi trực tiếp trên bản đồ lẫn văn bản. Những “điểm đen” trong giao thông như trường hợp kẹt xe, đào đường… đều được thể hiện bằng các ký hiệu để người dùng có thể lựa chọn lộ trình thích hợp hơn cho mình. Những địa điểm phục vụ nhu cầu hằng ngày cũng đồng thời được cập nhật trên bản đồ. Cụ thể như khi xác định địa điểm đang đứng, người dùng có thể tìm được cây xăng, ngân hàng, ATM, bưu điện, chợ, nhà sách… gần nhất.

Nâng cấp từ phần nền bản đồ số trên di động eMap, chương trình đã giành được các giải nhất cuộc thi Mobile Games 2005 và giải 3 Trí tuệ Việt Nam năm 2008, Vimap không chỉ là một chương trình tra cứu bản đồ với dữ liệu bản đồ chính xác, mà còn là chương trình được xây dựng trên nền tảng 2.0. Trong đó, đóng góp của cộng đồng người dùng là cực kỳ quan trọng vì những thông tin trên Vimap không cố định, phải dựa trên nguồn do cộng tác viên và người dùng cung cấp. Người dùng có thể mách nước với cộng đồng các địa điểm thú vị như quán cà phê, quán ăn…, trung tâm điều hành sẽ ghi nhận và những người dùng khác đều có thể tìm thấy các địa điểm này trên bản đồ. Anh Nguyễn Minh Nhật, trưởng điều hành dự án, khẳng định: “Chính người dùng sẽ comment để nhận xét những người cung cấp thông tin”. Anh cho biết thêm, nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ tính điểm rồi mỗi tháng phong chức vụ “thổ địa”, kèm phần thưởng có giá trị hẳn hoi cho người cung cấp thông tin. Tựa như các tiện ích thành công trên internet hiện nay như Photobucket, Flickr… đây là cách làm lấy thông tin từ người dùng, làm giàu cho tiện ích của mình. Người dùng làm nên nội dung của ứng dụng.

Điều ít được nhắc đến của Vimap là khả năng tính được thời gian di chuyển cho người dùng. Minh Nhật khiêm tốn nói: “Chúng tôi chỉ dám khẳng định tính chính xác chỉ khoảng 70% thôi”. Anh cho biết nguyên nhân là do hiện nay, quá nhiều lô cốt án ngữ trên đường, tình trạng kẹt xe… nên việc tính toán thời gian chỉ tương đối.

Đóng góp cho cộng đồng

Đến gặp những người tái sinh Emap, khai sinh Vimap, khó mà không ngạc nhiên khi biết rằng 4/5 thành viên hiện là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Tâm nguyện chung của nhóm bạn này là: “Chỉ mong người dùng có thể lựa chọn được lộ trình tốt nhất cho mình trước khi tham gia giao thông. Nếu người đi sau biết chọn đường khác, tránh những “điểm đen” thì chắc hẳn tình trạng ách tắc giao thông sẽ trở nên dễ giải quyết hơn rất nhiều”.

Nhìn ứng dụng chạy đơn giản như thế nhưng để thực hiện được những bản đồ số thông minh như vậy, 5 thành viên của nhóm đã phải làm việc rất cật lực. Riêng ở TPHCM, các bạn đã khảo sát và cho ra kết quả: Có đến 1.600 con đường và 7.000 con hẻm, đường không tên. Nếu từ nhân viên đến trưởng nhóm không chia nhau khảo sát qua từng ngõ, ngách để vẽ lại chi tiết thì hẳn đã không có được thành quả này.

Sau TPHCM và Hà Nội, nhóm bạn trẻ này cũng vừa hoàn thành bản đồ ở TP Đà Nẵng. Dự án của họ không dừng lại ở đó mà còn trải dài đến Nha Trang, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt… cùng các địa phương phát triển về du lịch khác. Công sức bỏ ra nhiều như vậy nhưng những người trẻ này không hề có ý nghĩ phát triển dự án để thu lợi nhuận. Tất cả các ứng dụng của họ đều cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Có lẽ, chỉ có khát vọng chinh phục bản thân và ý thức đóng góp cho cộng đồng mới tạo nên sức mạnh cho những người trẻ này tiếp tục dấn thân như vậy.