10 sự kiện viễn thông di động năm 2008

Điểm nhấn lớn nhất là việc chuẩn bị cho nền công nghệ thông tin di động của Việt Nam đạt chuẩn 3G. Bên cạnh đó, thị trường thiết bị đầu cuối vẫn có những biến động lớn.

1821

1. Vietnam Telecom và Vietnam Electronic 2008: Nóng theo 3G

Việc Việt Nam sẽ cấp giấy phép cho bốn doanh nghiệp viễn thông hoạt động với công nghệ 3G vào đầu năm mới đã khiến cuộc triển lãm Vietnam Telecomp và Vietnam Electronic 2008 diễn ra cuối tháng 11/2008 sôi động hơn bao giờ, với sự tham gia trình diễn các dịch vụ, sản phẩm và công nghệ mới của nhiều doanh nghiệp viễn thông quốc tế.

Tuy vậy, có vẻ vì sự sôi động của các đơn vị cung cấp hạ tầng, dịch vụ mạng nên thiếu vắng nhiều gương mặt của các hãng cung cấp thiết bị đầu cuối. Chỉ có Samsung tham dự hội chợ, cùng “tân binh” Q-Mobile – thương hiệu Việt.

Viettel Telecom chỉ tham gia ẩn cùng SK Telecom còn S-Fone quyết định không tham gia Vietnam Telecom 2008. Động thái này cho thấy hai mạng có vẻ như đang âm thầm chuẩn bị cho một “sân chơi” mới?

2. Tạm ngừng đăng ký thuê bao trả trước qua SMS và website

Việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước qua tin nhắn và website trước đây được thực hiện thiếu chặt chẽ, do cơ sở hạ tầng thông tin chưa hoàn thiện. Tháng 10/2008, Chính phủ quyết định các nhà mạng tạm ngưng cho phép đăng ký thông tin thuê bao trả trước qua hai loại hình ấy. Việc đăng ký chỉ được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ khách hàng của các nhà mạng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, khi nào Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thông tin cá nhân thì dựa trên đó, các nhà mạng có thể tiến hành rà soát và cho phép đăng ký qua SMS và website trở lại.

3. HT Mobile lìa “đấu trường” CDMA

Chỉ sau một năm chính thức xuất hiện, HT Mobile phải từ bỏ công nghệ CDMA. Từ một nhà mạng từng có tiếng vang ban đầu khá tốt, vì một số giới hạn trong việc phát triển công nghệ này tại Việt Nam, HT Mobile đã phải từ bỏ chuẩn công nghệ mình theo đuổi.

Sự kiện này khiến cho thế quân bình giữa GSM và CDMA tại Việt Nam bị phá vỡ khi chỉ còn EVN và S-Fone cung cấp CDMA. Có thể thấy: CDMA thất bại trong việc chinh phục người tiêu dùng Việt có lẽ không hẳn bởi công nghệ, mà do thiết bị đầu cuối, do thói quen người tiêu dùng…

Khi HT mobile chuyển sang GSM, các khách hàng của HT phải “di trú” sang mạng CDMA S-Fone.

S-Fone hiện là mạng lớn nhất trên thị trường CDMA, công bố đạt sáu triệu thuê bao ở thời diểm tháng 12/2008. Đây là một bước tiến đáng mừng đối với mạng CDMA!

4. Ra đời Gtel Mobile – mạng di động thứ bảy của Việt Nam

Thị trường viễn thông Việt Nam bước sang cục diện mới với việc HT Mobile chuyển sang GSM, cùng với việc Vimpelcom – nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ nhì của Nga – thành lập liên doanh với Công ty Gtel của Bộ Công an, và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép trở thành nhà mạng thứ bảy tại Việt Nam.

Sự kiện này gây xôn xao ngành viễn thông trong nước và quốc tế. Việc cho phép hình thành liên doanh thứ bảy này chứng tỏ thị trường viễn thông của Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên, con số bảy là quá nhiều, bởi đến như Trung Quốc – thị trường viễn thông lớn thế giới – mà cũng chỉ có ba nhà khai thác. Do đó, trong tương lai, khi được cấp phép 3G, hẳn sẽ có cuộc thanh lọc và sáp nhập giữa các nhà mạng.

Sự kiện Gtel ra đời đặt ra nhiều câu hỏi. Một nhà khai thác hoàn toàn mới liệu có đủ điều kiện để nhận được “tấm vé” 3G tham gia vào cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt của thị trường năm 2009? Và từ lúc công bố liên doanh này hồi đầu năm đến nay, tới tận thời điểm cuối năm 2008, vẫn chưa thấy bất cứ một động tĩnh gì của Gtel Telecom.

5. Viettel, MobiFone và VinaPhone phủ sóng GPRS trên cả nước

Bước tiến lớn nhất về dịch vụ của cả ba nhà mạng GSM chính là việc hoàn tất phủ sóng GPRS trên cả nước. Sự kiện này mở ra cho ngành viễn thông di động Việt Nam cơ hội phổ biến các dịch vụ đa phương tiện.

Kèm theo đó, các nhà mạng đã nhanh chóng giảm giá cước GPRS khá nhiều. VinaPhone và MobiFone còn cung cấp các gói cước GPRS với mức giá khá thấp là 125.000 đồng/tháng, dùng không giới hạn.

Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp viễn thông VinaPhone và MobiFone đều tích cực tham gia chương trình giảm giá cước nội mạng của VNPT, với mức cước đồng hạng từ di động đến di động, đến cố định của các mạng thuộc VNPT đều với mức giá 1000đồng/phút.

6. Viettel chính thức phân phối điện thoại di động Nokia và BlackBerry

Trong năm 2007, sau khi Viettel chính thức phân phối điện thoại di động Samsung thì người ta bắt đầu chú ý đến hoạt động của nhà mạng này trong lĩnh vực thiết bị đầu cuối.

Viettel thuyết phục thêm được Nokia, với model 1209. Model này lúc đầu chỉ được bán tại hệ thống bán lẻ của Viettel, sau đó cũng nhanh chóng được bán tại nhiều hệ thống siêu thị điện thoại di động lớn khác.

Từ ngày 18/12/2008, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ thư điện tử Pushmail và phân phối điện thoại BlackBerry. Người sử dụng sẽ yên tâm với công nghệ tiên tiến của RIM.

7. Giá điện thoại di động tăng theo giá USD

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2008, lần đầu tiên xày ra một sự kiện “chưa từng có”: giá điện thoại di động tăng mạnh. Bởi điện thoại di động trên thị trường Việt Nam phần lớn là hàng nhập khẩu, trả bằng đô-la Mỹ. Giá đô-la tăng, nên nhiều model điện thoại di động đã tăng giá theo. Vì sự kiện này, không ít nhà phân phối điện thoại di động cho rằng phải chịu lỗ khá nhiều.

8. Khuyến mại “dế” GSM chỉ dùng trên một mạng

Lâu nay, việc bán ưu đãi thiết bị đầu cuối và giới hạn chỉ sử dụng trên một mạng không có gì xa lạ tại Mỹ và châu Âu, nhưng tại Việt Nam vẫn chưa hề có nơi mạng GSM. Chính vì thế, MobiFone và Viettel đã cung cấp một số model Motorola W175 (MobiFone), Nokia 1200 (Viettel), Samsung E1110 (Viettel) chỉ dùng được trên các mạng này.

Thật ra, người mua gần như vẫn phải trả đủ tiền mua máy và mức ưu đãi cũng có giới hạn. Theo các chuyên gia viễn thông quốc tế, việc phân phối điện thoại di động sẽ có nhiều thay đổi khi có sự tham gia của các nhà mạng quốc tế. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ được dùng những chiếc di động “hot” và đắt tiền hơn của một nhà mạng. Điều này sẽ diễn ra nhanh chóng khi Việt Nam thực hiện xong cổ phần hoá, cho phép các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài mua cổ phần của các công ty viễn thông Việt Nam.

9. Hệ thống bán lẻ trong nước: Chuẩn bị trước “giờ G”

Hệ thống bán lẻ trong nước có những động thái tích cực trước sự thâm nhập của hệ thống bán lẻ quốc tế. Hai hệ thống siêu thị điện thoại di động Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, được giới kinh doanh cho là lớn nhất hiện nay, đã có một năm “bành trướng” mạnh mẽ.

Trong năm 2008, hai hệ thống này chính thức mở rộng ra rất nhiều tỉnh thành khác nhau, chạy đua phát triển thành hệ thống bán lẻ cả nước để đón đầu thời điểm: kể từ ngày 1/1/2009, các hệ thống bán lẻ nước ngoài sẽ được tự do gia nhập thị trường Việt Nam.

10. Dòng điện thoại màn hình cảm ứng bán chạy dù thị trường ế ẩm

Bắt nguồn từ sự thành công của iPhone năm trước, rồi iPhone 3G năm nay, thị trường điện thoại di động Việt Nam quan tâm hơn nhiều đối với dòng sản phẩm Touch Screen (màn hình cảm ứng) từng bị bỏ quên. Tín hiệu vui của dòng Touch screen bắt nguồn từ những cải tiến công nghệ của dòng sản phẩm này.

Không chỉ có iPhone, thị trường Việt Nam còn có sự góp mặt đông đảo của HTC với HTC Touch Diamond, HTC Touch HD, Samsung với Samsung F480, Samsung i900 Omnia, hay một số model của Eten. Đồng hành cùng sự kiện này, HTC ghi dấu bằng một showroom khá hoành tráng tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, giới kinh doanh điện thoại di động trong năm 2008 đều thấy rằng tình hình kinh doanh ế ẩm kéo dài. Việc kinh tế đình trệ khiến cho tình hình kinh doanh điện thoại di động cũng chịu tác động không nhỏ. Kéo dài từ tháng 8 đến những ngày mua sắm cuối năm, thị trường vẫn không có tín hiệu khởi sắc nào đáng kể. Đây được xem là sự kiện buồn nhất của lĩnh vực di động!

(Theo VNN)