10 điện thoại chơi nhạc hay giá rẻ

Phần đông điện thoại nghe nhạc hay, giá thấp trên thị trường là các model XpressMusic của  Nokia hay Walkman của Sony Ericsson bên cạnh một vài mẫu của SamsungBenQ, LG.

Điện thoại chơi nhạc hiện không còn hiếm, từ dưới một triệu đồng đã có những model có loa ngoài lớn, cho phép nghe nhạc trên tai nghe khá ổn. Tuy nhiên, các model được thiết kế dành riêng để chơi nhạc với phím bấm chuyên dụng, thì phải trên dưới 2 triệu đồng.

Dưới đây là 10 điện thoại chơi nhạc chuyên nghiệp giá rẻ trên thị trường cuối năm nay.

BenQ C36 (giá tham khảo: 1,5 triệu đồng)

BenQ C36 chơi nhạc với phím bấm trên đỉnh máy. Ảnh: Techgadgets.

Đây là một trong những mẫu di động chơi nhạc chuyên dụng giá rẻ nhất hiện nay. Giống như đàn anh C30 đi trước, C36 có các phím bấm chơi nhạc ngay trên đỉnh đầu. Máy có thiết kế mỏng nhẹ, lớp vỏ nhựa sáng bóng nhưng không lưu dấu vân tay. Chương trình chơi nhạc của C36 đơn giản, âm thanh không lớn trong trong và êm, kết nối chuyển nhạc với máy tính nhanh. Máy không có giắc cắm 3,5 mm.

Sony Ericsson W200i (giá tham khảo: 2,05 triệu đồng)

W200i là Walkman chơi nhạc giá rẻ. Ảnh: Reviewzine.

Giá bán của W200i chỉ giảm khoảng 100.000 đồng trong một năm qua, tuy nhiên đây là chiếc Walkman rẻ nhất và cũng bán chạy nhất của Sony Ericsson trên thị trường. Thiết kế mỏng, nhẹ, giống với W880i, nhưng W200i đơn giản hơn, máy chỉ được trang bị camera VGA, không có kết nối Bluetooth. Đánh giá cao nhất ở chiếc điện thoại này là khả năng chơi nhạc, xem phim với các phím bấm chuyên dụng bên cạnh trái.

Nokia 5200 XpressMusic (giá tham khảo: 2,1 triệu đồng)

Nokia 5200 XpressMusic có giá bán rẻ. Ảnh: Cnet.

Là đối thủ của W200i trong phân khúc điện thoại giá thấp nghe nhạc, 5200 XpressMusic cũng giảm giá chỉ 100.000 đồng trong năm qua. Máy khởi đầu cho dòng nghe nhạc XpressMusic của Nokia như 5300, 5700 sau này, thiết kế trượt lên, bàn phím và các nút bấm đơn giản, dễ sử dụng. Chương trình nghe nhạc của máy thông minh, các phím bấm chuyên dụng truy xuất nhanh.

LG KM380 (giá tham khảo: 2,5 triệu đồng)

KM380 có phím bấm chơi nhạc trên nắp gập. Ảnh: Slashphone.

KM380 là đại diện hiếm hoi của LG trên phân khúc điện thoại chuyên chơi nhạc. Máy có mặt trên thị trường mùa hè vừa rồi với giá trên 3 triệu đồng, hiện chỉ còn 2,5 triệu đồng. KM380 có thiết kế trượt, nắp gập che bàn phím kiểu cổ điển. Chương trình chơi nhạc trên máy khá thú vị, phím bấm chuyên dụng đặt ở mặt ngoài nắp gập.

Nokia 5300 XpressMusic (giá tham khảo: 2,5 triệu đồng)

Nokia 5300 XpressMusic có thiết kế gọn gàng. Ảnh: Cnet.

Kế tục 5200 XpressMusic ra mắt trước đó, di động mới 5300 có thiết kế khỏe khoắn hơn, các phím bấm chơi nhạc nằm bên cạnh trái dễ sử dụng. Ngoài ra, model này cũng nâng cấp chương trình chơi nhạc cho phép quay lại bài hát nhanh, chọn các chế độ nghe nhạc thông minh, âm thanh cải thiện, lớn và ấm áp hơn.

Nokia 5220 XpressMusic (giá tham khảo: 2,8 triệu đồng)

5220 XpressMusic ra mắt mùa hè năm nay. Ảnh: Flickr.

Nokia tiếp tục mang ra thị trường bộ đôi điện thoại nghe nhạc XpressMusic mới trong mùa hè vừa rồi. Trong đó 5220 đặc biệt bởi thân hình chắc gọn, kiểu dáng hình thang độc đáo. Máy cũng có phím bấm chơi nhạc bên cạnh trái nhưng mượt mà hơn 5300, âm thanh được cải thiện rõ rệt nhất là sử dụng tai nghe để thưởng thức.

Samsung M3510 (giá tham khảo: 2,9 triệu đồng)

M3510 được mệnh danh là “phù thủy âm nhạc”. Ảnh: Engadget.

“Phù thủy âm nhạc” của Samsung với khả năng lắc để điều khiển đã giảm giá khoảng 400.000 so với cách đây một tháng. Giống như các model dòng LiveLoud gần đầy, M3510 hỗ trợ công nghệ âm thanh từ Bang&Olufsen, máy có phím bấm chơi nhạc lẫn giắc cắm tai nghe 3,5 mm.

Sony Ericsson W610i (giá tham khảo: 2,9 triệu đồng)

W610i có giá bán chưa đến 3 triệu đồng. Ảnh: Expansys.

Với xu hướng giảm giá của thị trường di động, W610i đầu năm còn có giá bán trên dưới 4 triệu đồng thì hiện chiếc Walkman này chưa đến 3 triệu đồng. Là anh em sinh đôi với K550i, máy kết hợp về phong cách giữa W880i và W810i, thiết kế mỏng nhẹ, màn hình rộng và camera 2 “chấm”. Điện thoại hỗ trợ nghe nhạc, bắt sóng FM với các phím bấm chuyên dụng.

Nokia N72 (giá tham khảo: 3,1 triệu đồng)

N72 là chiếc N-series rẻ nhất của Nokia. Ảnh: Cellphone.

N72 là chiếc N-series rẻ nhất của Nokia đang bán trên thị trường. Mẫu di động giải trí đa phương tiện này có mặt đã hai năm. Máy có thiết kế hơi lớn và dày so với phần đông điện thoại mới. Tuy nhiên, đây là mẫu di động chơi nhạc ổn định, âm thanh trong và chi tiết.

Sony Ericsson W880i (giá tham khảo: 3,1 triệu đồng)

W880i có thiết kế siêu mỏng. Ảnh: Mobilejazz.

Chiếc Walkman siêu mỏng của Sony Ericsson đã giảm tới gần một nửa trong năm 2008. Đây là model chơi nhạc đáng chọn trong tầm giá 3 triệu đồng, bởi thiết kế đẹp, chắc chắn, màn hình sáng, hiển thị sắc nét. Ngoài ra, W880i còn hỗ trợ kết nối 3G, khe cắm thẻ M2 hỗ trợ tới 8 GB dung lượng.

Xperia X1 bị lỗi nứt vỏ

Một số người đã sử dụng chiếc điện thoại Xperia X1 của Sony Ericsson nhận thấy, sau một thời gian sử dụng máy bị nứt vỏ ở cạnh bên, khe dắt bút và cạnh nắp pin.

Những hình ảnh dưới đây cho thấy những máy Xperia X1 đều bị nứt vỏ do vỏ của máy được làm bằng nhựa. HTC là nhà sản xuất chiếc điện thoại này. Tuy nhiên, gần đây Sony Ericsson thông báo họ sẽ không còn cộng tác với nhau sản xuất các phiên bản Xperia kế tiếp.

Nứt gãy ngang cạnh bên giáp với pin máy.

Sứt vỏ.

Nứt phía trên khe dắt bút.

theo Xda-developers

Xperia mới do nhà sản xuất iPhone chế tạo

Di động chạy Windows Mobile tiếp theo của Sony Ericsson sẽ không phải do HTC sản xuất như X1, thay vào đó, Mobinnova, nhà sản xuất iPhone chế tạo.

Xperia tiếp theo sẽ do nhà sản xuất của iPhone chế tạo. Ảnh: Mobilegazette..

Mobinnova là một cái tên khá mới, tuy nhiên, đây là nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm trong các sản phẩm di động dưới trướng của công ty mẹ là Foxconn Electronics, nhà sản xuất iPhone lẫn iPhone 3G.

Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin về chiếc Xperia mới chạy trên nền Windows Mobile sẽ có cấu hình như thế nào.

Xperia X1 được xem là “siêu di động” của Sony Ericsson, máy có thiết kế trượt ngang, bàn phím QWERTY gọn gàng và giao diện đẹp. Tuy nhiên, model này đã bị trì hoãn khá lâu mới xuất hiện trên thị trường. Có thông tin cho rằng, chính lý do HTC chậm sản xuất đã làm phật lòng Sony Ericsson.

Hình ảnh khó quên của làng di động 2008

Từng đoàn người đứng chờ mua iPhone 3G, T-Mobile G1 và BlackBerry Storm là những hình ảnh ấn tượng của làng di động năm 2008.

Năm 2008 mở đầu bằng sự kiện Mobile World Congress 2008 diễn ra hoành tráng tại Barcelona (Tây Ban Nha) từ 11 đến 14/2. Ảnh: Reuters.

Hàng loạt thiết bị của các nhà sản xuất tên tuổi được giới thiệu, Nokia có N96, Samsung ra mắt dòng Soul, Sony Ericsson trình làng dòng Cyber-shot mang ký tự C. Ảnh: Symbian.

Bước sang tháng 4, triển lãm không dây CTIA, diễn ra từ ngày 1 đến 3/4 tại Las Vegas (Mỹ). Phần lớn điện thoại được giới thiệu tại đây đều được “thửa riêng” cho các nhà mạng Mỹ, Samsung có điện thoại cảm ứng, HTC ra mắt lại dòng Touch. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, phải tới tháng 6 thị trường di động mới bắt đầu sôi động. Đầu tiên là sự ra mắt của iPhone 3G, sản phẩm được trông mong từ cuối năm 2007 bằng những tuyên bố lập lờ của Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs. Phiên bản 8 GB của model này có giá 199 USD cộng hợp đồng. Ảnh: AP.

Tiếp theo là CommunicAsia 2008 khai mạc tại Singapore. Sony Ericsson khởi động cho cuộc chạy đua điện thoại 8 Megapixel bằng lời hứa về model C905, Samsung ra mắt “sát thủ” iPhone là Omnia, Nokia giới thiệu “dế” doanh nhân E71. Ảnh: AP.

Một loạt sự kiện diễn ra trong tháng 7. Đầu tiên là từng đoàn người xếp hàng từ nửa đêm tại 22 quốc gia để mong là người đầu tiên sở hữu iPhone 3G. Ảnh: AP.

Chỉ 3 ngày sau khi xuất hiện trên thị trường quốc tế, iPhone 3G đã có mặt tại Việt Nam. Giống như iPhone phiên bản đầu, giá bán các model mới lên tới 1.300 USD, vì thế rất ít người mua. Ảnh: Tinhte.

Tháng 8, Samsung giới thiệu INNOV8 với camera 8 Megapixel và hỗ trợ hàng loạt tính năng mạnh về giải trí, kết nối, văn phòng. Samsung là hãng đầu tiên ra điện thoại 8 “chấm”. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên bán model này. Ảnh: Cdrinfo.

Tháng 9, Google, HTC và T-Mobile liên kết ra mắt G1, chiếc di động đầu tiên chạy trên hệ điều hành Android. Ảnh: Reuters.

Sau đó một tháng, G1 bán ra tại các cửa hàng của T-Mobile, không hào nhoáng như iPhone 3G, nhưng cũng có từng dòng người xếp hàng để chờ mua sản phẩm này. Ảnh: Getty.

Tháng 11, Storm – chiếc BlackBerry màn hình cảm ứng đầu tiên bán ra tại Mỹ và Anh. Giống như iPhone 3G hay G1, rất nhiều người đã xếp hàng để được cầm trên tay thiết bị có màn hình rộng, chạm tay như bấm vào bàn phím thực này. Ảnh: Reuters.

Năm 2008 khép lại bằng sự kiện, Nokia ra mắt N97, chiếc N-series đầu tiên có màn hình cảm ứng rộng. “Gã khổng lồ” Phần Lan tham gia vào phân khúc di động cảm ứng khá muộn so với các đối thủ. Ảnh: Reuters.

Mặc dù nhiều model “khủng” xuất hiện, điện thoại mới liên tục ra mắt, nhưng khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường di động toàn cầu. Người dùng tiết kiệm chi tiêu, ít thay đổi model mới, doanh số bán ra giảm. Điều này sẽ còn ảnh hưởng đến năm 2009. Ảnh: AFP.

Tính năng “nhắc nhở” kết nối thế hệ @

Sony Ericsson được đánh giá là “người tiên phong” trong công nghệ, luôn luôn “làm” những điều mà “người khác” chỉ “nghĩ”. Từ những nhu cầu rất thường nhật ghi chú những điều bạn cần phải làm để không bỏ sót bất kỳ điều quan trọng nào, những mảnh giấy note từ đó xuất hiện xung quanh chúng ta. Tuy nhiên chính những mẫu giấy này làm cho không gian trở nên lộn xộn và không “đẹp”. Đó là lý do tại sao bộ đôi “G” của Sony Ericsson ra đời.

Bộ đôi trợ thủ

Là nhân viên văn phòng, một người luôn bận rộn, ắt hẳn một bàn làm việc bừa bộn được dán đầy bởi những mẫu note đủ màu không hề làm bạn ngạc nhiên. Hay là một sinh viên không tránh khỏi những lúc phải dán những tờ note vào sách vở để ghi chú, ôn luyện bài học… Vậy tại sao không để công nghệ thay bạn làm cho mọi thứ trở nên gọn gàng và hiệu quả? Điện thoại không chỉ là dụng cụ kết nối, còn là trợ thủ thành công của những ai luôn mong muốn sự chuyên nghiệp. Trí tưởng tượng vượt xa mong đợi khi tất cả những đột phá hỗ trợ nay nằm trong các thiết bị smartphone nhỏ gọn Sony Ericsson G700 và G900.

Những gì có thể làm với bút và viết, nay hoàn toàn có thể làm được với điện thoại

Nhờ khả năng nhận dạng chữ viết tay, bộ đôi “G” giúp ghi chú nhanh hơn, soạn tin nhắn tiện lợi hơn.

Kết nối thế hệ @

Công việc đòi hỏi bạn phải cập nhật thông tin thường xuyên, kết nối Wi-Fi sẽ đáp ứng đòi hỏi trên. Thoải mái lướt web trên màn hình rộng, check mail, trao đổi thông tin, giải trí… Bộ đôi “G” được mệnh danh là “tài năng công nghệ” của Sony Ericsson quả nhiên làm mất lòng những người ái mộ sự phát triển của thời đại @. Không phải chỉ cần ngồi ở trước màn hình vi tính mới được cập nhật, điện thoại mang thông tin đến tận tay bạn bất kỳ nơi nào bạn tới. Đó là sự phát triển và luôn kết nối là gắn sự phát triển của công nghệ vào sự thành công của người sử dụng.

Đây là 2 điện thoại không thể bỏ qua của những ai đã từng yêu thích “dế công nghệ” và mong muốn thử cái mới.

Hãy chôn tôi với chiếc “dế” yêu!

Chết không có nghĩa là hết đối với một số người hâm mộ điện thoại di động.

ảnh minh họa

Chúng ta đem điện thoại di động theo mình đến bàn ăn, phòng ngủ, thậm chí là phòng tắm. Song trong những năm gần đây, một số người trong chúng ta đã bắt đầu đem những chiếc di động yêu quý của mình tới một số nơi thực sự gây sửng sốt: nhà mồ.

“Có vẻ như mọi người dưới 40 tuổi xấu số đều đem theo điện thoại di động của mình xuống mồ”, Noelle Potvin, một nhà tư vấn phục vụ tang lễ gia đình ở Hollywood, California (Mỹ) nói. “Xu hướng là đi với BlackBerry. Chúng tôi thậm chí có một người khách được chôn với chiếc máy chơi game Game Boy của Nintendo”.

Mong muốn của người chết được chôn với một thiết bị điện tử ưa thích đang ngày càng trở nên phổ biến. Future Laboratory, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Luân Đôn (Anh) nói hành vi này xảy ra ở nhiều nơi như ở Anh, Úc và Nam Phi. Song các chuyên gia cũng nhận thấy hiện tượng này đang xuất hiện ở Mỹ.

Ed Defort, Giám đốc xuất bản và biên tập cho tạp chí tang lễ American Funeral Director nói đó rõ ràng là một xu hướng. “Tôi thậm chí đã nghe thấy những trường hợp người ta được chôn với cả máy nghe nhạc iPod. Hoặc một ai đó đã chuẩn bị cả bộ tai nghe Bluetooth trong tai mình”.

Song điện thoại di động đặc biệt là thiết bị công nghệ cao được chọn để đồng hành cùng người quá cố.

Trong khi các thống kê về việc chôn điện thoại di động không tồn tại, những người làm trong nghề phục vụ tang lễ đồng tình rằng đó là chuyện xảy ra thường ngày – ít nhất là trong số những người trẻ tuổi và say mê công nghệ. “Điều này đã thực sự xảy ra từ 5 hoặc 6 năm qua”, Frank Perman, giám đốc một nhà tang lễ ở Pittsburgh (Mỹ) nói. “Nhưng tôi nghĩ nó sẽ gia tăng theo số mũ, đặc biệt khi giá cả công nghệ ngày càng rẻ. Việc chôn một chiếc điện thoại di động theo người chết không phải là điều gì lớn lao lắm”.

Muốn kết nối không bao giờ đứt quãng

Vậy tại sao người ta lại muốn xuống mồ cùng với thiết bị của mình? Các chuyên gia nói có một số lý do.

Một số làm điều này với cùng lý do là con người luôn đem theo thứ gì đó vào quan tài (hay mộ). Người ta muốn xung quanh mình những thứ họ yêu thích, bất kể đó là chiếc điện thoại di động và tai nghe hay một số bức hình gia đình, một mẩu trang sức… chẳng hạn. Rất nhiều người nói điện thoại di động thể hiện cá nhân con người là đó là một phần di sản của họ.

Những người khác làm như vậy bởi họ xem đó là cách để tạo sự thoải mái – cả với bản thân và những người đã chết. Có trường hợp các thành viên của gia đình đã đặt tai nghe iPod và chơi các bản nhạc khi nắp áo quan được đóng lại. Điều đó làm gia đình người quá cố thoải mái khi nghĩ rằng vẫn có sự kết nối với họ.

Và khái niệm kết nối cũng chính là yếu tố khiến đa số chọn được chôn với chiếc điện thoại di động.

Một giám đốc nhà tang lễ nói đã thấy người ta để điện thoại di động vào áo quan và bảo sẽ gọi cho người thân yêu của họ sau đó. Tất nhiên là không có ai trả lời nhưng họ muốn có sự kết nối đó. Họ cảm thấy có sự kết nối với người quá cố bởi đó là điện thoại của ông/bà ta nhưng đồng thời nó cũng giúp người sống nhận ra rằng có một cái chết đã xảy ra.

Khi luật sư biện hộ John Jacobs ở Manhattan (Mỹ) chết năm 2005, vợ của ông – Marion Seltzer – không chỉ chôn ông với chiếc di động với pin sạc đầy mà còn tiếp tục đóng cước thuê bao tháng cho chiếc di động của chồng và thậm chí còn thỉnh thoảng gọi cho chồng (do điện thoại hết pin nên các cuộc gọi ngay lập tức được chuyển vào thư thoại của Jacobs). Bà cũng khắc số điện thoại của chồng lên bia mộ để những người khác cũng có thể gọi cho ông.

Nhạc chuông đưa đám

Nhạc chuông thậm chí đã trở thành một dạng chia buồn đám tang của thế kỷ 21, theo ông Defort của tạp chí tang lễ American Funeral Director đã nói ban đầu. “Một số người sẽ gọi người quá cố ngay khi người ta đang hạ chiếc quan tài xuống đất”, ông nói. “Nó sẽ được thu xếp từ trước và bạn sẽ nghe thấy một điệu nhạc chuông đưa đám”.

Với những ai muốn kết nối kể cả khi sang thế giới bên kia nhưng lo ngại về rác thải độc hại thì có thể yên tâm vì Sony Ericsson, Nokia và LG Electronics đều đã đưa ra thị trường những chiếc di động được gọi là “xanh”, tức thân thiện với môi trường.

Có lẽ như vậy là đủ để bạn yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

Theo Xaluan

Sony Ericsson W595

Walkman chơi nhạc mới W595i có kiểu dáng chắc gọn, ấn tượng với hai loa phát nhạc, kế thừa W580i, máy còn nâng cấp với khả năng nghe nhạc hay, kết nối 3G, chụp ảnh 3,2 Megapixel.

Chiếc Walkman phone mới W595 vừa xuất hiện trên thị trường đặc biệt với hai loa trên và dưới. Máy kế thừa phiên bản W580i đã được đón nhận trước đây.

Thiết kế của W595 gọn gàng và hai loa trên và dưới. Ảnh: Cnet.

So với các mẫu Walkman chơi nhạc màu cam trước đây, dòng di động mới của Sony Ericsson hiện tại đã thanh thoát, chắc gọn hơn. W910i hay W760i là những ví dụ. Điện thoại mới W595 sở hữu kiểu dáng trượt, tuy nhiên, thân hình khá nhỏ nhắn với kích thước 100 x 47 x 14 mm và nặng 104 gram.

Sony Ericsson W595 không có nhiều khác biệt về thiết kế so với W580i. Máy có các đường cong quyến rũ, diện tích mặt trước bé và mặt sau lớn, cạnh tranh và cạnh dưới được vát rộng ra phía sau và là nơi để hai loa ngoài. Thiết kế này làm cho điện thoại phát ra âm thanh dễ hơn.

Một vài điểm khác so với W580i như camera đã thay đổi vị trí, cổng USB được di chuyển. Còn lại, W595 cũng không có giắc cắm tai nghe 3,5 mm như nhiều di động dòng Walkman khác.

Máy có màn hình rộng 2,2 inch, độ phân giải 240 x 320 pixel, hình ảnh hiển thị sắc nét và cho phép xem phim, đọc các văn bản hiển thị chứ bé dễ dàng.

Máy trang bị camera 3,2 Megapixel. Ảnh: Cnet

So với các di động chơi nhạc khác, các tính năng của W595 nằm trong nhóm tầm trung.

Cải tiến nổi bật dễ nhận thấy của W595 là camera đã được tăng lên từ 2 lên 3,2 Megapixel. Tuy nhiên, máy không trang bị đèn flash, vì thế người dùng chỉ có thể chụp các bức ảnh tốt trong điều kiện trời sáng.

Đi kèm với máy là thẻ nhớ M2 dung lượng 2 GB, model hỗ trợ mở rộng tối đa dung lượng lên 8 GB. Tuy vậy, điều khiến người dùng không hài lòng chính là khe cắm thẻ nhớ được đặt phía sau pin, mỗi lần thay hoặc tháo ra lại phải tắt máy.

Các phím bấm chuyên dụng nghe nhạc trên Sony Ericsson W595 được bố trí đơn giản, tương đối thuận lợi cho người dùng trong quá trình sử dụng. Điện thoại hỗ trợ các định dạng âm thanh cơ bản như MP3, AAC, WMA và WAV và WMA. Loa ngoài được bố trí hai đầu máy, âm thanh lớn và mạnh mẽ.

Model dạng trượt này có âm thanh lớn, kết nối 3G. Ảnh: Cnet.

Tuy nhiên, xem phim trên máy không thuận lợi. W595 hỗ trợ định dạng MPEG-4, tuy nhiên không có phần mềm hỗ trợ đi kèm, Sony Ericsson cũng không hỗ trợ ứng dụng đổi định dạng để xem video. Một tính năng đáng chú ý là máy hỗ trợ YouTube, cho phép người dùng xem và tải trực tiếp các đoạn video lên trang chia sẻ này.

Máy chạy 4 băng tần GSM, hỗ trợ người dùng có thể chuyển mạng, roaming dễ dàng tại nhiều quốc giá khác nhau. W595 tích hợp 3G, kết nối HSDPA bên cạnh Bluetooth.

Giống như phần lớn các mẫu Walkman khác, W595 là một phiên bản nâng cấp, các tính năng đơn giản là nghe nhạc với chất lượng âm thanh tốt, nghe bằng tai nghe hay hơn. So sánh với các mẫu di động chơi nhạc trong tầm giá, chất lượng của máy chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu để bên cạnh các thiết bị chơi nhạc MP3, âm thanh của W595 vẫn còn thua kém.

Chất lượng đàm thoại ổn định, không có gì đáng phàn nàn. Pin trên máy cho phép đàm thoại được 9 giờ, thời gian chờ là 16 ngày. Sử dụng bình thường với các tính năng nghe gọi, khoảng 4 đến 5 ngày mới phải sạc lại.

Sony Ericsson W595 đã có mặt trên thị trường. Giá tham khảo: 5,8 triệu đồng.

Sony Ericsson, Asus đứng chung trận tuyến với Google Android

Hệ điều hành Android sẽ sớm có mặt trên các điện thoai đa chức năng do Sony Ericsson, Toshiba, Asus sản xuất, khi ba “ông lớn” này vừa kí thoả thuận gia nhập “liên minh Android” do Google khởi xướng, cùng với 11 hãng khác.

Cùng gia nhập liên minh Open Handset Alliance (OHT) với kế hoạch đưa điện thoại Android mới ra thị trường vào mùa hè năm tới có Motorola, Samsung, LG v.v.. Sony Ericsson vốn trung thành với smartphone dùng hệ điều hành Symbian (mới đây được Nokia mua lại và chuyển thành mã nguồn mở). Nỗ lực mới nhất của hãng là Xperia 1 dùng Windows Mobile không thành công như mong đợi. Cùng chung cảnh chợ chiều là Toshiba, Asus với các mobile dùng Windows Mobile – ngoại trừ Asus P565.

Không khó để nhận ra điểm chung lớn nhất giữa các thất bại trên là hệ điều hành Windows Mobile dành cho smartphone của Microsoft. Có vẻ như người tiêu dùng đã không còn mặt mà với Windows Mobile, thể hiện qua doanh số thụt lùi của các smartphone sử dụng HĐH này. Và trong khi các hãng như Sony Ericsson tốn hàng năm trời để phát triển, quảng cáo các mẫu mobile mới, Apple vươn lên mạnh mẽ, chiếm tới 30% thị trường smartphone Mĩ – một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới ảm đạm cũng là nhân tố khiến Sony Ericsson, Toshiba, Asus quyết định gia nhập liên minh OHT. HĐH Android của Google là lựa chọn rẻ tiền hơn hẳn, thậm chí miễn phí so với Windows Mobile. Do là mã nguồn mở, Google không đòi tiền bản quyền trên các smartphone dùng Android, từ đó giúp giảm mạnh giá thành điện thoại – yếu tố rất quan trọng trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay.

Người dùng tất nhiên hưởng lợi từ quyết định trên của các “ông lớn”. Hiện tại, điện thoại Android duy nhất có mặt trên thị trường là G1 của T-Mobile. Dù có tương lai sáng sủa, G1 bị chỉ trích khá nhiều do không thích hợp với người dùng doanh nhân, cũng không hề mạnh về đa phương tiện. Với sự góp mặt của các “tay chơi” mới, người dùng sẽ thêm nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ như Sony Erricsson có thể tung ra “Android Walkman” nghe nhạc xem phim, trong khi Toshiba trình làng Android chuyên dành cho doanh nhân.

Bên cạnh Sony Ericsson, Toshiba, Asus, các tên tuổi đáng chú ý trong lần gia nhập lần này còn có Vodafone, Huawei, Garmin International, ARM, AKM Semiconductor v.v.. Các thành viên sẽ phát triển phần cứng cho Android, đóng góp mã lập trình cho hệ điều hành này, cũng như hỗ trợ nền tảng Android bằng các dự án, sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ Android.

  • Theo Dantri.com.vn

Sony Ericsson gia nhập liên minh với Google

Liên minh điện thoại mở của Google vừa kết nạp thêm 14 thành viên, đáng chú ý trong đó có Sony Ericsson bên cạnh các tên tuổi như Toshiba, Asus.

Sau Windows Mobile, Sony Ericsson sẽ tiến vào lãnh địa Android. Ảnh: Gsmarena

Hiện tại, liên minh này đã có các thành viên chủ chốt như HTC, LG, Samsung, T-Mobile…, mục tiêu là xây dựng nền tảng mở Android của Google.

Với việc Sony Ericsson, Toshiba, Asus tham gia, tương lai những chiếc Google phone chạy hệ điều hành giống G1 sẽ mang thương hiệu các hãng này.

Hiện tại, Sony Ericsson đang phát triển điện thoại chạy trên nền Symbian và Windows Mobile (Xperia X1 là sản phẩm duy nhất).

Hệ điều hành nguồn mở đang là xu hướng trong thời gian gầy đây, sau Google, Nokia cũng vừa “thâu tóm” thành công Symbian và dự tính mở cửa nền tảng này.