Nokia N8 sẽ được bán trên toàn cầu vào 30/9

Giám đốc cấp cao phụ trách truyền thông của Nokia xác nhận, N8 sẽ được bán ra vào ngày 30/9 tới.

Nokia N8 sẽ có mặt trên thị trường cuối tháng này.

Ông Tapani Kaskinen, Giám đốc truyền thông Nokia, đã xác nhận điều này với tờ báo Phần Lan Kauppalehti hôm qua. Máy sẽ có mặt tại nhiều quốc gia từ cuối tháng 9, tuy nhiên ở một số thị trường độc quyền như Anh, thiết bị sẽ ra có mặt trên các trang trực tuyến trước một tuần, từ 23/9.

Nhà sản xuất Phần Lan sẽ công bố thông tin ngày bán N8 vào 14/9 tới đây, tại sự kiện Nokia World được tổ chức tại London (Anh).

Hiện giá bán N8 sẽ phụ thuộc vào các thị trường cũng như tùy chọn phụ kiện đi kèm. Ra mắt tháng tư năm nay, Nokia cho biết máy sẽ khoảng 500 USD, tuy nhiên các trang bán hàng trực tuyến của hãng ở Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh đã ra giá trên dưới 600 USD.

Nokia N8 là smartphone đáng chú ý nhất của hãng, thiết bị mang theo tham vọng mở rộng phân khúc điện thoại thông minh, cạnh tranh với các tên tuổi mới như Apple iPhone hay Google Android.

Nokia N8 tháng 10 về Việt Nam

Chiếc smartphone đáng chờ nhất của Nokia phải tới tháng 10 mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

N8 tháng 10 mới bán ở Việt Nam.

Việc ra mắt tại Việt Nam trong tháng 10 là chậm hơn so với một số quốc gia. Tuy nhiên, đi kèm với siêu phẩm này sẽ là một chương trình quảng bá hoành tráng. Hiện nhiều trang web bán hàng của Nokia tại châu Âu đã cho phép khách hàng đặt trước, thời hạn giao máy trong tháng 9.

Nhiều thông tin cho rằng, N8 sẽ bán cuối tháng 8 này và sẽ có mặt ở nhiều quốc gia khác trong tháng 9. Hiện máy vẫn chưa có mức giá cuối cùng, khi giới thiệu thông báo bán ở mức khoảng 500 USD, trong khi các website đặt trước của Nokia đưa lên tới 610 USD. Nokia cũng chưa tiết lộ mức giá tại Việt Nam.

Năm ngoái, N97 xuất hiện tại Việt Nam cũng kèm theo sự kiện quảng bá rầm rộ mang tên “Online đẳng cấp”. N97 tại thời điểm đó là thiết bị tạo điểm nhấn của hãng, chiếc N-series đầu tiên có màn hình cảm ứng. Với N8, Nokia còn mong chờ nhiều hơn phiên bản trước. Đây được xem là siêu phẩm sẽ mang lại cho hãng nhiều thay đổi ở phân khúc điện thoại thông minh, cạnh tranh với các tên tuổi mới như Apple iPhone, Google Android hay BlackBerry, HTC. Trong vài năm trở lại đây, Nokia đang thất thế ở thị trường này, dù chiếm thị phần lớn, nhưng smartphone của hãng bán ra chủ yếu là giá rẻ và “miếng bánh” này đang giảm dần.

N8 mang nhiều hy vọng của Nokia.

N8 được Nokia công bố cuối tháng 4 vừa rồi và hứa hẹn sẽ bán trong quý II. Tuy nhiên, để hoàn thiện sản phẩm và phần mềm Symbian^3, nhà sản xuất này đã phải lùi lại tới quý III năm nay, trước thời điểm của kỳ mua sắm lớn nhất trong năm.

N8 có camera 12 Megapixel, quay video HD. Trong đó, máy ảnh đi kèm là ống kính Carl Zeiss và đèn flash Xenon, cảm biến hình ảnh của thiết bị “là đối thủ của camera kỹ thuật số”, N8 hỗ trợ quay video 720p, 25 khung hình/giây và tích hợp cả trình chỉnh sửa video..

Máy có bộ nhớ lên tới 16GB, tích hợp khe cắm thẻ nhớ microSD hỗ trợ mở rộng dung lượng thêm 32GB. Mặt trước của máy là màn hình cảm ứng điện dung, đa điểm, rộng 3,5 inch, tỷ lệ 16:9 với độ phân giải chuẩn nHD (360 x 640 pixel).

N8 hỗ trợ mạnh mẽ kết nối, máy chạy trên 4 băng tần GSM, kết nối 3G tới 5 băng tần là 850/900/1700/1900/2100. Ngoài ra, thiết bị còn hỗ trợ Wi-Fi chuẩn b/g/n, Bluetooth 2.1, GPS với A-GPS, cổng giao tiếp microUSB và tích hợp đài FM.

N8 là di động đầu tiên chạy trên hệ điều hành Symbian^3, phát triển trên nền tảng Qt, cho phép các lập trình viên xây dựng ứng dụng giống như Symbian và MeeGo. Máy hỗ trợ nhiều màn hình Home, tích hợp các kết nối mạng xã hội. Ngoài ra, model này còn có hiệu năng và đồ họa mạnh.

5 điều tôi thích ở Palm Pre

Một tuần sử dụng và cảm giác mới mẻ đã nguôi ngoai, nhưng đôi lúc Palm Pre vẫn phải làm tôi thốt lên “Ồ, thật tuyệt!”.

Tìm kiếm sự “đồng cảm” từ những người khác, tôi đi hỏi người dùng Palm Pre khắp nơi về cảm nhận của họ, và thấy rằng không chỉ mình mới “phấn khích” như vậy. Đa số “duyệt” khả năng đa tác vụ và gộp tất tần tật mọi thứ tài khoản, lịch hẹn của WebOS, những người khác đề cao chất lượng cuộc gọi, tốc độ xử lý, giao diện bóng bẩy, và còn hơn thế nữa…

Do vậy, tôi cũng xin được đưa ra “top 5” đặc điểm mà tôi cảm thấy thích thú nhất về Pre:

p243

Palm Pre thật tinh tế. Ảnh: Slashphone.

1. Đa tác vụ

Hiển nhiên rồi, nhưng tại sao? Trong khi Windows Mobile và Google Android cũng có tính năng tương tự? Đó là vì ở Pre, sự tinh tế và dễ dàng sử dụng được nâng lên một tầm cao mới, xử lý nhanh hơn, quản lý thiết bị thông minh hơn, người dùng thích thú hơn. Đây đúng là con át chủ bài của Palm trong cuộc chạy đua khắc nghiệt này.

2. Synergy tuyệt “như quảng cáo”

Tôi vẫn luôn tưởng bở mình là một người “có-tổ-chức”, nhưng hóa ra lại không phải. Suốt bao năm qua tôi đã tạo ra không biết bao nhiêu tài khoản e-mail để liên lạc, thế là danh bạ của tôi rải rác khắp nơi. Pre giúp tôi hợp nhất tất cả các tài khoản đó lại bằng một số thao tác đơn giản, loại bỏ những địa chỉ lặp, và cho nhập cả ảnh đại diện. Tất nhiên, gộp tất tần tật như vậy không phải lúc nào cũng là ý tưởng hay, bản thân tôi cũng có cảm nhận tương tự khi đồng bộ danh sách Facebook. Palm nên có phương thức nào đó hay hơn để lọc và tách các contact để không gộp tất cả một cách “mù quáng”. Bù lại, Synergy tỏ rõ sự tiện dụng khi đồng bộ lịch hẹn. Tôi không thích dùng Outlook để tạo lịch hẹn nên ý tưởng trộn lẫn lịch Google và Outlook thành một, phân biệt bởi màu sắc thật vô cùng tuyệt vời.

p244

Camera ấn tượng ngay cả khi không có nhiều chức năng biên tập video. Ảnh: Mobinttechno.

3. Camera

Thực sự ấn tượng kể cả khi thiếu chức năng biên tập và ghi video. Tôi đã thử nhiều camera có độ phân giải bằng hoặc cao hơn thế, và đều thất vọng bởi chất lượng ảnh. Một số cho ảnh quá tái, số khác lại quá rực hoặc chen vào hiệu ứng mờ làm mất đi sự sắc nét. Với Pre, tất cả những sự càu nhàu đó đã biến mất, vì máy cho ảnh sắc nét và màu sắc sinh động, cộng thêm độ trễ của màn trập là không đáng kể.

4. Trình duyệt Web

Tôi chưa dùng iPhone, và chừng nào Apple còn chưa tích hợp bàn phím thực thì tôi còn chưa mua dù chỉ một chiếc. Nhưng không thể không nói là tôi ghen tị với trình duyệt Safari: sử dụng dễ dàng, quản lý trang thông minh và tận dụng tối đa ưu thế của màn hình cảm ứng đa điểm. Có điều, bạn biết không, trình duyệt của Palm Pre mới hóa ra cũng xuất sắc không kém. Màn hình của Pre đúng là có nhỏ hơn iPhone nên không “đã” bằng.

5. GPS

Tôi thường đi ra ngoại ô vào mỗi dịp cuối tuần, nên thỉnh thoảng có đi vào những con đường lạ lẫm. Lúc đó thì GPS và hệ thống dẫn đường đã tỏ ra thật sự hữu ích, làm tôi bất ngờ bởi tốc độ và sự chính xác của nó. Thậm chí các dịch vụ định vị còn được tích hợp cả trong những ứng dụng như Citysearch và Fandango. Turn-by-turn Navigation sẽ chỉ cho bạn từng đường đi nước bước theo thời gian thực một cách xuất sắc.

Theo SH

Hệ điều hành nổi bật của năm 2009

Palm Pre và iPhone 3GS là những chiếc smartphone sở hữu hệ điều hành hay nhất trong năm 2009.

Dưới đây là nhìn nhận về 6 hệ điều hành lớn được sử dụng trên smartphone được đánh giá cao hiện nay.

Apple iPhone OS 3.0

iphone30

iPhone 3.0 được chú ý nhiều qua model iPhone 3GS. Ảnh: Apple.

Chiếc iPhone thứ ba vừa được Apple giới thiệu, máy chạy trên hệ điều hành phiên bản mới iPhone OS 3.0. Không có thay đổi về ngoại hình so với iPhone 3G, nhưng iPhone 3GS được Apple quảng cáo sẽ có tốc độ vượt trội. Theo đó, máy cho mở e-mail nhanh gấp hai lần, chơi game nhanh gấp 4 lần và mở các file đính kém gấp 3,6 lần.

Dù Apple xác nhận những thay đổi bên trong, nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có xác nhận sử dụng thực tế nào về tốc độ của máy. Sự cải tiến đáng kể ở chiếc di động này chỉnh là trang bị mạng, tốc độ kết nối trên mạng 3G có thể lên tới 7,2 GHz (trong khi iPhone 3G là 3,6 GHz).

Máy có thêm các tính năng như tích hợp la bàn kỹ thuật số, điều khiển bằng gọng nói. Camera nâng cấp từ 2 lên 3 Megapixel. Đáng tiếc, Apple vẫn không trang bị đèn flash, nhưng máy có thêm các tính năng như tự động canh nét, chạm vào màn hình lấy điểm nét. Thêm vào đó, một tính năng được người dùng chờ đợi khá lâu cũng đã xuất hiện, đó là quay và chỉnh sửa video.

iPhone 3.0 được giới thiệu từ tháng 3, phần mềm này sẽ đến tay người dùng vào ngày 17/6 tới đây, miễn phí cho iPhone, còn người dùng iPod Touch sẽ mất phí 10 USD. Các tính năng đi kèm như thông báo, cut/copy/paste, tìm kiếm Spotlight, tin nhắn MMS.

Palm webOS

webos

webOS có nhiều hứa hẹn. Ảnh: Palmcentral.

Palm Pre với giá 200 USD cộng hai năm hợp đồng sử dụng mạng Spint đã được bán vào ngày 6/6. Đây là chiếc di động chạy trên hệ điều hành webOS, nền tảng được Palm đặt nhiều tham vọng. Pre không phải là chiếc di động tuyệt hảo, nhưng nó cũng không đến nỗi chán. Có thiết kế trơn bóng và những đường cong gợi cảm, máy còn sở hữu màn hình cảm ứng điện dung cao cấp, hệ điều hành cuốn hút. Lời than phiền về chiếc di động này chính là bàn phím cứng quá nhỏ để soạn thảo.

App Catalog là đề tài nhận được nhiều phê phán bởi quá ít phần mềm, tuy nhiên, gian ứng dụng này hứa hẹn sẽ được mở rộng. App Catalog cho phép người dùng dễ dàng chọn và mua các tiện ích. Kho phần mềm này sẽ phát triển nhanh trong những tháng tới, webOS cho phép lập trình trên các chuẩn HTML, JavaScript, và CSS.

Ngày 6/6, có khá đông khách hàng đã xếp hàng cả tiếng đồng hồ để mua Palm Pre. Trong hai ngày cuối tuần, Sprint đã bán được 50.000 máy. Với khởi đầu ấn tượng, webOS dự tính sẽ là nền tảng “khó nhằn” của các đối thủ.

Google Android

android

Android thu hút nhiều nhà sản xuất quan tâm. Ảnh: WordPress.

Ngày 27/5, Google ra mắt bản cập nhật hệ điều hành Android 1.5 với tên mã “Cupcake” dành cho người dùng G1 và Google I/O dành cho các nhà phát triển. Phiên bản Magic cũng được chạy chương trình mới này với nhiều nâng cấp mới.

Google cũng sẽ giới thiệu Android 2.0 (với tên mã “Donut”), hỗ trợ tìm kiếm mạnh hơn, nhắn tin nhanh, khả năng nhận dạng chữ viết trên màn hình cảm ứng. Hiện “gã khổng lồ’ về tìm kiếm chưa thông báo ngày sẽ công bố Donut.

Các nhà sản xuất khác như Motorola, Samsung và Sony Ericsson xác nhận, họ đang có kế hoạch phát triển di động Android. i7500 Galaxy là chiếc Android đầu tiên của Samsung sắp có mặt trên thị trường. Android được dự đoán là nền tảng sẽ có tương lai trong năm 2009.

Symbian S60

n972

N97 sở hữu giao diện S60 với nhiều tiện ích. Ảnh: Mail.

Đến tay người dùng giữa tháng 6, nhưng Nokia N97 đã bị che phủ bởi màn ra mắt hoành tráng của iPhone 3GS, model có mức giá 12,5 triệu đồng (tại thị trường Việt Nam).

Nokia N97 là di động sở hữu cấu hình không thể ấn tượng hơn, từ camera 5 “chấm”, bộ nhớ trong 32 GB (có thể mở rộng thêm bằng thẻ nhớ microSD 16 GB), GPS, màn hình cảm ứng và bàn phím QWERTY đầy đủ. Máy chạy trên hệ điều hành Symbian S60 phiên bản 5, giao diện cảm ứng mới, tích hợp nhiều tiện ích thú vị.

Nokia cũng vừa giới thiệu Ovi Store, dịch vụ không chỉ mang tới các ứng dụng, mà còn cung cấp nội dung, các chương trình giải trí đến người dùng.

RIM BlackBerry OS

storm2

Storm 2 sẽ ra mắt trong thời gian tới với nhiều cải tiến. Ảnh: Engadget.

RIM không hề thông báo bất cứ thông tin nào về hệ điều hành BlackBerry của mình, nhưng hãng sẽ ra mắt bộ đôi điện thoại mới là Storm 2 và Tour – model nằm trong series 9000 trong mùa hè này. Storm 2 được đồn thổi là có camera 5 Megapixel, nâng cấp tính năng cảm ứng, bỏ đi SurePress và cập nhật bàn phím ảo. Máy được hy vọng sẽ có mặt vào tháng 9. Trong khi đó, Tour với thiết kế giống Bold, bàn phím cứng và giàu tính năng e-mail.

Tháng 4 vừa rồi, RIM mở cửa gian ứng dụng App World nhằm cạnh tranh với các đối thủ để chiếm thị phần smartphone. App World đơn giản và có giao diện dễ dùng, tuy nhiên kho phần mềm này không được quảng cáo nhiều so với đối thủ.

Microsoft Windows Mobile 6.5

windows

Windows Mobile 6.5 chỉ cải thiện giao diện. Ảnh: Cnet.

Microsoft đang có gắng nhằm cạnh tranh với các đối thủ của Apple và Palm, tuy nhiên Windows Mobile 6.5 phải tới ra mắt cuối năm nay mới xuất hiện. Trong khi đó, phiên bản 7 sẽ có mặt trong năm 2010 sẽ thay thế bản 6.5, vì vậy sự xuất hiện của Windows Mobile 6.5 chỉ là giải pháp tình thế và không có nhiều hứa hẹn ngoài giao diện. Hai chiếc di động đầu tiên cài đặt Windows Mobile 6.5 sửa soạn có mặt của HTC là Touch Pro 2 và Snap.

Theo SH

Smartphone- Hoạt náo viên tại MWC

barcelona

Điện thoại động thông minh đang nóng lòng chờ được khoe tài tại Barcelona

Theo dự đoán của các chuyên gia, Hội nghị Di động thế giới (MWC) sẽ vẫn là một sân khấu trình diễn nhiều màn “hoạt náo” của mảng điện thoại di động thông minh.

Đại tiệc của Google Android

Theo các chuyên gia thị trường, lĩnh vực di động sẽ suy giảm khoảng 10% trong năm 2009 nhưng riêng mảng smartphone sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong ít nhất vài năm nữa.

Bước vào MWC, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra rất hy vọng vào một màn trở lại đầy ấn tượng của hệ điều hành di động nguồn mở Android do hãng Google phát triển bởi kể từ lần đầu ra mắt hồi cuối năm ngoái, ngoài chiếc T -Mobile G1, người ta vẫn chưa được thử nghiệm thêm một thiết bị nào sử dụng nền tảng di động này.

“Khai hỏa” đầu tiên có lẽ sẽ vẫn là nhà sản xuất smartphone Đài Loan, HTC với việc trình diện thêm nhiều “hậu duệ” của chiếc G1. Đặc điểm nổi bật của thế hệ sau này mà HTC mang đến MWC sẽ vẫn là những chiếc điện thoại có bàn phím trượt và một màn hình cảm ứng đầy đủ. Tất nhiên, bữa tiệc này sẽ không chỉ có một mình HTC khi một loạt các hãng sản xuất khác như Huawei, Lenovo, hay Sony Ericsson cũng tuyên bố sẽ ra mắt những chiếc smartphones chạy trên nền hệ điều hành di động của Google.

“Người hùng một thời” Motorola cũng đã chấp nhận đặt cược toàn bộ tương lai của mình vào Android. Theo những tuyên bố của hãng điện thoại di động Mỹ, họ quyết định tập trung vào các thiết bị sử dụng Android trên con đường tìm lại ánh hào quang của những chiếc “dao cạo” Razr ngày trước. Điểm nhấn trên những chiếc di động sử dụng Android do Motorola sản xuất là tính năng tương thích một cách mạnh mẽ với các mạng xã hội.

Vẫn đang được xếp vào hàng những nhà sản xuất điện thoại di động “ăn nên làm ra” nhất thế giới nên đại gia Samsung tỏ ra không mấy cần thiết phải vội vàng trong đại tiệc Android. Hãng này tiết lộ rằng họ cũng sẽ mang đến MWC một chiếc smartphone sử dụng hệ điều hành của Google nhưng chỉ đơn thuần là để trình diễn và giới thiệu vì phải đến tận nửa cuối năm nay, sản phẩm này mới có thể được tung ra thị trường. Samsung quyết định sẽ tạo dấu ấn của mình bằng một sản phẩm khác có tên là UltraTouch hay Acme i8910 được trang bị bằng giao diện người dùng TouchWiz đã được tân trang lại.

barcelona1

Barcelona đang chờ vào hội

Những đối thủ khác: không kém cạnh

Không tham gia vào cuộc chơi Android, không có nghĩa là hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới Nokia sẽ không có “đại tiệc” của riêng mình. Chỉ cần nhà bán lẻ Expansys tiết lộ rằng Nokia sẽ giới thiệu toàn bộ thông tin về chiếc smartphone E75, thị trường di động đã bắt đầu “phát sốt” bởi những thế hệ đi trước của dòng E series như E 63, E 65, E 71… đã hoàn toàn chinh phục được niềm tin của khách hàng. Theo những thông tin ban đầu, E75 sẽ vẫn sử dụng nền tảng di động truyền thống của Nokia là Symbian cùng với một bàn phím dạng QWERTY trượt mở, hỗ trợ định vị vệ tinh GPS, Wi-Fi, sử dụng mạng di động 3G và một camera 3.2-megapixel. Nokia còn thông báo rằng họ sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hơn về chiếc điện thoại màn hình cảm ứng N97 cùng với những tin đồn rằng hãng sẽ giới thiệu “cửa hàng ứng dụng online” của riêng mình.

Tại MWC năm nay, những chiếc smartphone sử dụng hệ điều hành Windows Mobile sẽ xuất hiện ít hơn so với năm ngoái. Nhiều khách hàng cho rằng hệ điều hành này của Microsoft cần phải được “sáng tạo lại”. Tổng giám đốc Steve Ballmer của Microsoft cũng sẽ có mặt để lần đầu tiên giới thiệu hệ điều hành Windows Mobile 6.5 với những cải tiến hướng tới việc tương thích tốt hơn với công nghệ cảm ứng. Microsoft còn quyết định sẽ trình làng dịch vụ My Phone cho phép đồng bộ dữ liệu từ điện thoại của khách hàng với máy chủ của hãng.

Palm – hãng sản xuất smartphone Mỹ sẽ vẫn mang đến MWC sản phẩm Palm Pre, sản phẩm đã từng “nổi đình nổi đám” tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES 2009) hồi đầu năm. ông Ed Colligan, Tổng giám đốc Palm còn tiết lộ rằng hãng đã quyết định khai tử hệ điều hành Palm truyền thống để tập trung vào Pre hệ điều hành web của họ. Một số nguồn tin còn cho rằng hãng cũng sẽ khiến những “tín đồ” Palm sướng điên lên với mẫu Palm Pre hoạt động trên băng tần GSM (mẫu cũ hoạt động trên mạng CDMA).

Hơi buồn khi MWC năm nay thiếu vắng sản phẩm của 2 đại gia lớn nhất làng smartphone là Research In Motion (RIM) và Apple. Cả 2 sẽ vẫn có mặt nhưng không trình diễn sản phẩm mới nào.

MWC cũng đón chào sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới như Garmin -Asus với mẫu di động tích hợp GPS Nuvifone G60 và M20 chạy trên hệ điều hành Windows Mobile hay thậm chí là các hãng chuyên sản xuất PC như Acer, Dell cũng góp mặt. Hiện chưa có thông tin gì về sản phẩm mà họ sắp giới thiệu.

Theo CNET, Information Week

Nền UIQ đã chết

Nền tảng UIQ đã chính thức khai tử khi cả hai đồng sở hữu Sony EricssonMotorola tuyên bố từ bỏ và chạy theo phát triển điện thoại sử dụng Windows Mobile và Google Android.

1784

UIQ xuất hiện trên dòng P của Sony Ericsson. Ảnh: Tech2.

Trước khi giao diện Series 60 phiên bản thứ 5 với các đại diện như Nokia N97, 5800 XpressMusic ra mắt, hệ điều hành Symbian còn có nền tảng khác là UIQ. Công nghệ này được ứng dụng trên điện thoại 3G của Motorola, các model doanh nhân dòng P của Sony Ericsson. Hiện trên thị trường, UIQ đang được sử dụng trên điện thoại Walkman và dòng G của Sony Ericsson.

Tuy nhiên, từ khi liên minh Nhật Bản – Thụy Điển sử dụng Windows Mobile cho Xperia X1 đầu năm 2008, UIQ bắt đầu bị bỏ quên, tâm điểm là việc hãng công khai tuyên bố công nghệ này đã thất bại, ngay sau đó Motorola cũng cho biết, họ đã chán UIQ.

Gần một năm trở lại đây, hầu như không có điện thoại mới nào ứng dụng giao diện này ra mắt. Trong khi đó, cả hai đồng chủ sở hữu là Sony Ericsson và Motorola lại chạy theo các sản phẩm sử dụng hệ điều hành Windows Mobile và Android của Google.

Những hành động trên là lời cáo phó của UIQ (User Interface Quartz – Giao diện người dùng Thạch anh) của hãng UIQ Technology. Đây là phần mềm dựa trên hệ điều hành Symbian, cung cấp giao diện đồ họa và bổ sung các tính năng, hỗ trợ mở rộng ứng dụng thứ ba.

theo Cnet

Sony Ericsson, Asus đứng chung trận tuyến với Google Android

Hệ điều hành Android sẽ sớm có mặt trên các điện thoai đa chức năng do Sony Ericsson, Toshiba, Asus sản xuất, khi ba “ông lớn” này vừa kí thoả thuận gia nhập “liên minh Android” do Google khởi xướng, cùng với 11 hãng khác.

Cùng gia nhập liên minh Open Handset Alliance (OHT) với kế hoạch đưa điện thoại Android mới ra thị trường vào mùa hè năm tới có Motorola, Samsung, LG v.v.. Sony Ericsson vốn trung thành với smartphone dùng hệ điều hành Symbian (mới đây được Nokia mua lại và chuyển thành mã nguồn mở). Nỗ lực mới nhất của hãng là Xperia 1 dùng Windows Mobile không thành công như mong đợi. Cùng chung cảnh chợ chiều là Toshiba, Asus với các mobile dùng Windows Mobile – ngoại trừ Asus P565.

Không khó để nhận ra điểm chung lớn nhất giữa các thất bại trên là hệ điều hành Windows Mobile dành cho smartphone của Microsoft. Có vẻ như người tiêu dùng đã không còn mặt mà với Windows Mobile, thể hiện qua doanh số thụt lùi của các smartphone sử dụng HĐH này. Và trong khi các hãng như Sony Ericsson tốn hàng năm trời để phát triển, quảng cáo các mẫu mobile mới, Apple vươn lên mạnh mẽ, chiếm tới 30% thị trường smartphone Mĩ – một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới ảm đạm cũng là nhân tố khiến Sony Ericsson, Toshiba, Asus quyết định gia nhập liên minh OHT. HĐH Android của Google là lựa chọn rẻ tiền hơn hẳn, thậm chí miễn phí so với Windows Mobile. Do là mã nguồn mở, Google không đòi tiền bản quyền trên các smartphone dùng Android, từ đó giúp giảm mạnh giá thành điện thoại – yếu tố rất quan trọng trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay.

Người dùng tất nhiên hưởng lợi từ quyết định trên của các “ông lớn”. Hiện tại, điện thoại Android duy nhất có mặt trên thị trường là G1 của T-Mobile. Dù có tương lai sáng sủa, G1 bị chỉ trích khá nhiều do không thích hợp với người dùng doanh nhân, cũng không hề mạnh về đa phương tiện. Với sự góp mặt của các “tay chơi” mới, người dùng sẽ thêm nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ như Sony Erricsson có thể tung ra “Android Walkman” nghe nhạc xem phim, trong khi Toshiba trình làng Android chuyên dành cho doanh nhân.

Bên cạnh Sony Ericsson, Toshiba, Asus, các tên tuổi đáng chú ý trong lần gia nhập lần này còn có Vodafone, Huawei, Garmin International, ARM, AKM Semiconductor v.v.. Các thành viên sẽ phát triển phần cứng cho Android, đóng góp mã lập trình cho hệ điều hành này, cũng như hỗ trợ nền tảng Android bằng các dự án, sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ Android.

  • Theo Dantri.com.vn

Google Android có “đủ sức” kích thích thị trường smartphone?

 

 

Trong khi đó, khảo sát của Gartner cho hay, doanh số thị trường smartphone quý I năm nay tăng ở mức 29,3% và quý II đạt 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Mặc dù vậy, smartphone vẫn mang lại lợi nhuận cho các hãng sản xuất trong khi doanh thu thị trường điện thoại cơ bản đã giảm với tốc độ chóng mặt. Có vẻ như nền kinh tế toàn cầu rơi vào khó khăn cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp smartphone. Theo các nhà phân tích, trong thời gian tới, thị trường điện thoại cầm tay sẽ còn tăng trưởng chậm hơn nữa do nền kinh tế suy thoái.

 

Hiện tại, Nokia – hãng sản xuất điện thoại và smartphone lớn nhất thế giới – vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường với 42,4% thị phần trong quý III năm nay. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số của Nokia đã giảm khoảng 3% so với cùng quý năm 2007.

 

Cũng trong ngày hôm qua, lần thứ hai trong 3 tuần gần đây, Nokia đã  phải cắt giảm mức dự báo về doanh số di động của mình. Nokia cho rằng thị trường đang suy giảm với tốc độ nhanh hơn họ nghĩ. Hãng này dự đoán, tổng doanh số thị trường smartphone trong năm tới sẽ giảm ít nhất là 5% so với năm 2008.

 

Nhà sản xuất điện thoại thông minh BlackBerry là RIM đứng thứ 2 trên thị trường smartphone với koảng 15,9% thị phần. Cũng giống như Nokia, RIM cũng dự đoán doanh số của hãng sẽ suy giảm.

 

Trong khi đó, Apple – hãng sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới giữ 12,9% thị phần – lại đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong quý III năm nay. Trong quý III/2007, Apple chỉ chiếm 3,4% thị phần smartphone.

 

Cuộc cạnh tranh trên thị trường di động có vẻ như sẽ trở nên căng thẳng hơn khi các “tân binh”, như điện thoại Google Android, gia nhập thị trường. Sự xuất quân của hệ điều hành mã mở Android cùng các nền tảng mã nguồn mở khác đang “xâm thực” vào lãnh thổ vốn một thời là độc quyền của Microsoft. Trong khi đó, Nokia sẽ tiếp tục chống đỡ các áp lực từ đối thủ RIM và Apple.

 

Mặc dù vậy, cho dù doanh số smartphone đang giảm dần, thiết bị cầm tay này sẽ vẫn hứa hẹn cơ hội tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, để thành công, smartphone mới không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào kiểu dáng mà con phụ thuộc vào cả phần mềm và các ứng dụng được cài đặt. Liệu Google Android có giúp thị trường smartphone đi ngược lại tình hình kinh tế toàn cầu?

 

Theo CNet