Nhà mạng chậm sửa thông tin iPhone

Dù iPhone 4 đã bán ra với tốc độ 1GHz và nhiều trang bị khác, nhưng các nhà mạng Việt Nam vẫn quảng cáo iPhone 3GS là thiết bị “nhanh nhất, mạnh nhất”.

iPhone 3GS “nhanh và mạnh mẽ nhất” trên trang web Viettel.

Trang web bán iPhone của VinaPhone và Viettel được lập ra từ tháng 3, thời điểm các bản 3G và 3GS chính thức có mặt tại Việt Nam. Đây là chuyên trang mà hai nhà mạng này giới thiệu các bản iPhone của mình, đồng thời công bố mức giá, cam kết sử dụng mạng. Song song với ra mắt website, các đoạn quảng cáo trên truyền hình của hai mạng này về iPhone 3GS liên tục được phát, trong đó, Viettel và VinaPhone đều cho hay đây là chiếc “iPhone nhanh và mạnh mẽ nhất”.

Hơn 5 tháng có mặt, phần lớn các cập nhật từ chuyên trang này là các bản thông cáo báo chí về thay đổi mức giá, cũng như chỉnh sửa các cam kết trong hợp đồng sử dụng, còn lại, thông tin về iPhone vẫn được giữ nguyên.

Nếu như tại thời điểm tháng 3, Apple chưa hé lộ thông tin về sản phẩm mới, thì bản 3GS vẫn là chiếc iPhone nhanh và mạnh nhất từ Apple. Tuy nhiên, ngày 8/6, “Quả táo” đã trình làng iPhone 4, model với cấu hình mạnh mẽ, vi xử lý A4 1GHz, RAM lớn, màn hình độ nét cao. Xét về cấu hình và các so sánh khác, iPhone 4 là chiếc smartphone nhanh và mạnh mẽ nhất từ Apple.

Hình ảnh trên website VinaPhone.

Tuy vậy, lướt qua hai chuyên trang iPhone của Viettel và VinaPhone, các tấm banner quảng cáo iPhone 3GS, thiết bị được xem là “nhanh và mạnh mẽ nhất” vẫn chưa được thay đổi. Mặc dù, iPhone 4 được công bố được khoảng hai tháng.

Mới đây, trang web của VinaPhone đã cập nhật thông tin về việc, hãng sẽ bán ra chiếc iPhone 4 trong thời gian tới. Một hình ảnh lớn được đưa lên, trong đó công ty này cho biết, iPhone 4 “coming soon to VinaPhone”, tuy nhiên các hình ảnh tiếp theo vẫn cho rằng, iPhone 3GS là thiết bị “nhanh nhất, mạnh nhất”.

iPhone bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ cuối 2007, sau một năm, đây trở thành dòng smartphone xách tay bán tốt nhất. Hơn 3 năm xuất hiện, lần lượt 4 phiên bản từ 2G, 3G, 3GS và iPhone 4 đã có mặt, trong đó hai bản 3G và 3GS được bán chính hãng khoảng 5 tháng trở lại đây.

VinaPhone sắp đưa iPhone 4 về Việt Nam.

VinaPhone và Viettel là hai nhà mạng đồng loạt phân phối smartphone của Apple từ tháng 3, trong khi đó, Mobifone cũng công bố đã giành được hợp đồng, tuy nhiên vẫn chưa có động tĩnh về thời điểm mang máy ra thị trường. Hôm 3/8, Viettel cho biết đã nhập thêm 3.000 chiếc iPhone 3GS bản 16GB về bán, đồng thời VinaPhone cũng đang có lịch đưa thiết bị này bán tiếp, mặc dù, bản 3GS 16GB đã được Apple ngưng sản xuất để nhường chỗ cho iPhone 4 và 3GS bản 8GB.

Theo lịch trình của Apple, iPhone 4 sẽ bán tại 5 nước trong ngày 24/6 và tiếp tục xuất hiện tại 17 khu vực khác cuối tháng 7 vừa rồi. Những nước khác sẽ bán iPhone cuối tháng 9, trong đó có thể gồm Việt Nam.

Mạng di động 3,5G HSPA+ công nghệ “phần mềm” SDR đầu tiên

Nhà khai thác mạng GSM lớn nhất Hồng Kông, CSL đang sử dụng các trạm gốc theo công nghệ SDR (Software-Defined Radio: vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm) của ZTE để xây dựng một mạng 2G/3G tích hợp toàn bộ IP mà có thể nâng cấp phần mềm lên HSPA+ và thậm chí là LTE.

sdr

SDR là một công nghệ truyền thông vô tuyến trong đó, các thành phần vô tuyến RF tiêu biểu (như các bộ trộn, bộ lọc, bộ khuếch đại, bộ điều chế, bộ giải điều chế, bộ tách sóng…) thay vì được thiết lập cố định bằng phần cứng thì nó sẽ được thực hiện nhờ sử dụng phần mềm trên PC hoặc các hệ thống nhúng. Công nghệ SDR giúp 1 hệ thống có thể “tái lập trình” để phù hợp với nhiều loại hình mạng di động khác nhau.

Mặc dù quá trình chuyển đổi các trạm gốc 2G/3G đang tồn tại của CSL bằng các trạm gốc SDR của ZTE đã bắt đầu từ gần một năm trước nhưng CSL và ZTE chọn sự kiện Hội nghị Thế giới di động – Mobile World Congress 2009 tại Barcelona (Tây Ban Nha) để công bố rằng họ đã đạt được màn trình diễn HSPA+ với dung lượng sector trạm gốc 21 Mb/s trên nền tảng SDR đầu tiên trên thế giới.

SDR cho phép ROI ở mức lớn nhất bởi vì nó cho phép bạn tái sử dụng nhiều thành phần trong mạng ở mức có thể”, Tarek Robbiati, CEO của CSL phát biểu. Ông cũng cho biết thêm rằng chi phí của dự án nằm trong tầm vài trăm nghìn đô la Hồng Kông. Robbiati hi vọng rằng dự án sẽ được hoàn thiện trong vài tháng tới nhưng không hứa hẹn đặt ra thời gian triển khai thương mại.

Dự án SDR ở Hồng Kông có tính chất cách tân đổi mới với giải pháp anten 4 băng tần, phủ sóng các băng tần số mà ở đó CSL có bản quyền: 900 MHz, 1800 MHz, 2,1 GHz và 2,6 GHz. Và Robbiati nói rằng SDR hứa hẹn sẽ đưa ra sự nâng cấp trôi chảy lên HSPA+ và LTE khi thời gian yêu cầu.

Ông Yin Yimin, CEO của ZTE lặp lại ý kiến trên và nói thêm rằng giải pháp SDR có thể giúp các nhà khai thác tiết kiệm 20-30% chi phí vốn (capex) và lên đến 40% chi phí hoạt động (opex).

(theo telecoms)