Chơi sim số đẹp – cẩn thận kẻo bị lừa

simsodep

Thị trường sim số đẹp đang sôi động trên “chợ” Internet, với hàng chục website chuyên cung cấp số đẹp chào mời khách. Hiện có quá nhiều “nhà đầu cơ” sim số trên chợ ảo này, có những sim số trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí trên 2 tỷ đồng… Buôn bán thật giả khó lường, nếu sơ suất người mua sẽ mất tiền mà còn “ôm cục tức”.

Số đẹp giá 2,5 tỷ đồng

Sim số 01666666666 rao bán trên simvip.net với giá 2,5 tỷ đồng – đắt hơn một căn nhà mặt tiền khu đô thị mới. Sim số rao bán được phân chia theo từng nhóm: “lộc phát”, “thần tài”, “tam hoa”, “tứ quý”… nhóm số được cho là đẹp phải là 6, 8, 9 (cũng là số “tứ quý” nhưng “2222” rẻ hơn cả chục lần so với nhóm “6666” hay “8888”). Ngoài sim số bạc tỷ này, những sim số giá trị vài trăm triệu đến vài chục triệu được chào bán rất nhiều.


simsodep1

Cẩn thận khi mua sim số đẹp

Do nhu cầu giao dịch, kinh doanh dịch vụ, các doanh nhân muốn sử dụng số điện thoại dễ nhớ… nên thị trường bán sim điện thoại số đẹp nở rộ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, muốn sở hữu số điện thoại đẹp mà không gặp rắc rối (thậm chí bị lừa), phải am hiểu và có nhiều kinh nghiệm. Tùy người chào, giá cả chệnh lệch khá lớn nếu không chịu khó tìm hiểu có thể bị hớ khi mua.

Nếu việc buôn bán rõ ràng, có hợp đồng, cam kết và trực tiếp giao hàng thì có thể yên tâm. Phải hết sức cẩn thận khi trả tiền trước qua chuyển khoản rồi chờ nhận hàng. Nếu gởi qua bưu điện, khi nhân viên đến giao hàng rồi thu tiền thì phải biết cách kiểm tra (đừng bao giờ ký nhận trước). Theo khuyến cáo của nhà cung cấp dịch vụ Vinaphone, người mua nên gọi lên trung tâm dịch vụ khách hàng của nhà cung cấp mạng (Vinaphone, Mobiphone, Viettell…) kiểm tra xem sim số đã được kích hoạt chưa, có ai đã đăng ký thông tin cá nhân với số này hay chưa, sau đó mới tiến hành đăng ký.

Kinh nghiệm đáng lưu ý

Theo khuyến cáo của những người có kinh nghiệm, để tránh trường hợp sim đã được kích hoạt để sử dụng rồi, nếu người bán cố tình “lừa” thì họ sẽ nhanh chân lên các trung tâm dịch vụ mạng khai báo mất sim, sau đó đọc số những cuộc gọi đi và gọi đến gần nhất (theo quy định) để nghiễm nhiên sở hữu sim số đó, trong khi sim người mua bị báo lỗi. Tốt nhất là yêu cầu cả hai cùng đến trung tâm dịch vụ khách hàng tiến hành đăng ký và kích hoạt; hoặc, sau khi nhận sim, kích hoạt và gọi ngay cho số quen và nhờ họ gọi lại, đồng thời đăng ký thông tin cá nhân ngay lập tức.

Muốn “chắc ăn” hơn thì nên đăng ký thuê bao trả sau, sẽ được nhà cung cấp “ưu ái” hơn, sau một thời gian mới chuyển sang trả trước. Cần lưu ý thêm, đối với sim số mới, khi kích hoạt thường bị khóa chiều gọi đi hoặc nhận cuộc gọi đến, sau khi khai báo thông tin cá nhân sẽ được mở khóa. Nhưng các bước kiểm tra này chưa cho phép an tâm 100% vì người bán có thể sử dụng công nghệ cao copy sim số của bạn. Khi sở hữu sim số đẹp trị giá bạc triệu, nếu chưa đăng ký thông tin cá nhân, người sử dụng không nên để lộ thông tin cuộc gọi đi và nhận cuộc gọi, tránh gọi lại số điện thoại lạ hay “nhá máy”, những sơ suất này sẽ bị đối tượng xấu khai thác và “chiếm đoạt” bằng cách đi khai báo mất điện thoại.

Theo Phương Duy/Khoahocphothong