iPhone 4 tại Việt Nam bắt đầu hạ giá

Trong khi bản quốc tế giảm từ 2 đến 3 triệu đồng, thì hàng khóa mã hạ nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung giá iPhone 4 vẫn cao, tầm 20 triệu cho bản thấp nhất.

Giá iPhone 4 vẫn còn ở mức cao, dù đã giảm.

Sau hơn một tháng có mặt tại thị trường Việt Nam, mức giá “khủng” của iPhone 4 đã có dấu hiệu giảm lần đầu tiên. Các phiên bản quốc tế hiện được bán ở mức 30 và 35 triệu tương ứng với hai bản 16 và 32GB. Như vậy, nếu so mức giá trong vòng một tháng từ khi xuất hiện, di động mới nhất của Apple đã hạ từ 2 đến 3 triệu đồng.

Phần lớn iPhone 4 bán tại Việt Nam đều là hàng quốc tế, các model khóa mã từ AT&T không nhiều và sức mua ít hơn, người dùng sẽ phải unlock mới gọi điện được. Điều này đã làm giá bản khóa mã sụt giảm mạnh hơn bản quốc tế. Nếu như khi mới xuất hiện, các model này có giá từ 22 đến 28 triệu, thì hiện một vài cửa hàng ra giá 18 đến 19,5 (cho bản 16 và 32GB).

iPhone 4 đầu tiên đến Việt Nam ngày 24/6, phiên bản quốc tế xuất hiện liền sau. Mức giá được các chủ hàng thông báo chạm ngưỡng 40 triệu đồng. Những ngày sau đó, giá chung tại nhiều cửa hàng, bản 32GB quốc tế là 38 triệu, trong khi các model 16GB được bán ở mức 32 đến 34 triệu đồng.

Model của Apple lỗi sóng, nhưng vẫn có người mua.

Dù giảm, nhưng giá của iPhone 4 so với các mẫu smartphone cùng cấu hình vẫn cao hơn khá nhiều. Các cửa hàng ở Hà Nội cho biết, giống như iPad, họ không có hàng để bán, dù lượng khác “chịu” được mức giá chiếc di động này là rất ít.

Theo anh Hữu Tú, chủ cửa hàng bán di động xách tay ở phố Hai Bà Trưng – Hà Nội, phần lớn khách mua iPhone 4 là người dùng trẻ, có tiền, hoặc hàng mua để tặng. “Cả tháng lại đây, giới truyền thông chỉ nói về lỗi sóng iPhone 4, điều này làm một số khách hàng phân vân, tuy nhiên những người xác định mua thì vẫn chọn”, anh Tú cho biết.

Thực tế, có khá nhiều mẫu iPhone 4 hàng quốc tế đang bán tại Việt Nam bị lỗi mạng, giảm cột sóng hoặc có thể ngắt cuộc gọi khi chạm tay lên điểm hở ở cạnh trái. Gần đây, Apple đã có chính sách tặng kèm vỏ nhựa tránh mất sóng, tuy nhiên các khách hàng tại Việt Nam không được hưởng chương trình này, do máy chưa được bán chính thức.

Trong khi iPhone 4 giảm giá, thì các model cũ vẫn đang chững, thậm chí trước đó còn tăng nhẹ. Hiện Apple chỉ sản xuất bản iPhone 3GS 8GB, giá mẫu máy này từ 12,4 triệu đồng, trong khi các bản quốc tế 16 và 32GB có giá từ 14 đến 16 triệu đồng.

Clip chứng minh Droid X không mất sóng

Thử nghiệm thực tế cho thấy, Droid X không có hiện tượng mất sóng như trong thử nghiệm của Apple, ngoài ra cấu tạo ăng ten của máy cũng khác.

Sau khi Apple công bố đoạn video thử nghiệm, Droid X cũng bị mất sóng khi chạm vào điểm “nhạy cảm”, cộng đồng người dùng Android đã có những phản ứng khá gay gắt.

Trang Android-life đã giới thiệu một đoạn video, trong đó, họ đã cầm thử Droid X theo mọi cách, nhưng cột sóng của thiết bị này vẫn giữ nguyên. Android-life cho biết, Droid X không thiết kế vành kim loại trên khe hở như iPhone 4, điều này sẽ không làm máy mất sóng như điện thoại của Apple.

Dưới đây là đoạn video được thử nghiệm trong môi trường sóng yếu.

Nokia, RIM và HTC tấn công Apple vụ ăng ten

Cả ba nhà sản xuất là Nokia, RIM BlackBerry và HTC đã lên tiếng về việc Apple lấy họ ra làm ví dụ cũng bị mất sóng như iPhone 4.

Cuộc họp báo hôm 16/7 của Apple đã trở thành chủ đề tranh cãi giữa các hãng lớn. Thay vì thừa nhận iPhone 4 bị mất sóng khi chạm vào điểm bên cạnh, Apple đã nâng tầm cho rằng, đây là vấn đề của mọi nhà sản xuất và lấy ví dụ các mẫu smartphone của BlackBerry, Samsung và HTC cũng bị lỗi này.

Apple cho rằng, lỗi ăng ten không chỉ là vấn đề của riêng Apple.

Apple đã tự nhận, iPhone 4 không phải là một chiếc di động hoàn hảo. Để chứng minh cho việc, chạm tay vào “điểm nhạy cảm” mất sóng không chỉ sản phẩm của hãng, mà là vấn đề chung của nhiều nhà sản xuất, Apple đã mang các “đồng minh” khác ra làm ví dụ gồm BlackBerry Bold 9700, HTC Droid Eris và Samsung Omnia II.

Chiếc BlackBerry 9700 của RIM được Apple lấy ví dụ mất sóng.

Trước hành động của Apple, hai đồng chủ tịch của RIM là Mike Lazaridis và Jim Balsillie đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Họ cho rằng, Apple đã tự quyết định sử dụng kiểu thiết kế ăng ten của mình. Vì vậy, họ phải tự giải quyết vấn đề riêng của mình và RIM không liên quan đến “thất bại của riêng Apple”,

Trong một tuyên bố chung, các đồng sáng lập RIM bày tỏ, Apple đã không chấp nhận thất bại của mình, thay vào đó họ lại đưa BlackBerry ra để đánh lạc hướng. Mike Lazaridis và Jim Balsillie cũng chia sẻ, với quá trình phát triển 20 năm, RIM có bề dày trong việc nghiên cứu và xây dựng, duy trì các kết nối cho smartphone của mình.

HTC Droid Eris mất sóng do Apple thử nghiệm.

Hiện tại, HTC và Samsung vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về sự việc trên. Trong khi đó, trả lờiPocket-lint về các phàn nàn với model mang tên Droid Eris được Apple lấy làm ví dụ, phụ trách mảng truyền thông trực tuyến và PR toàn cầu của HTC cho biết, chỉ có 0,016% người dùng model này phàn nàn về máy, “chúng tôi có rất ít các khiếu nại về chất lượng sóng và ăng ten trên Droid Eris”.

Chiếc Omnia II của Samsung được Apple làm đồng minh trong vụ mất sóng.

Dù không bị Apple đưa ra làm ví dụ về lỗi mất sóng trong cuộc họp báo cuối tuần trước, nhưng Nokia cũng đưa một tuyên bố về sóng điện thoại

được cho là nhắm tới “Quả táo”. Hãng sản xuất di động số một toàn cầu cho rằng, thiết kế ăng ten là một vấn đề phức tạp và là năng lực cốt lõi của Nokia trong nhiều thập kỷ vừa qua. Hãng đã đầu tư rất nhiều cho việc nghiên cứu các hành vi người dùng thực hiện cuộc gọi, chơi nhạc, lướt web khi cầm máy. Vì thế, thiết kế ăng ten của hãng không bao giờ có xung đột.

Cũng trong buổi họp báo cuối tuần trước, Apple đã khoe phòng thử sóng được đầu tư hàng triệu USD của hãng.