Apple từ chối đưa iPhone vào danh sách điện thoại ‘xanh’

Apple đã từ chối việc đưa iPhone vào danh sách xếp hàng những mẫu di động thân thiện với môi trường tại Anh.

iPhone của Apple sẽ không nằm trong danh sách di động xanh của Anh.

Trong khi đó, các thương hiệu lớn như Samsung, Nokia và Sony Ericsson đã đồng ý tham gia.

Phát ngôn viên của Apple từ chối bình luận về lý do tại sao công ty này tại từ chối tham gia chương trình trên, tờ Guardian của Anh cho biết.

Đề án di động “xanh” là một phần trong chương trình “Diễn đàn vì tương lai” (Forum for the Future) ở Anh, trong đó đánh giá điện thoại di động tác động đến môi trường từ quy trình đóng gói, sản xuất, tiết kiệm năng lượng và khả năng tái chế.

Samsung Omnia Pro B7610 giảm nửa giá

Nhiều cửa hàng lớn tại Hà Nội giảm giá chiếc B7610 Omnia Pro của Samsung từ 9 xuống còn 4,7 triệu đồng.

B7610 nhiều nơi bán còn 4,7 triệu đồng.

Cuối tuần vừa rồi, anh Nguyễn Văn Dũng (Đống Đa – Hà Nội) cùng một người bạn của mình vào một cửa hàng di động trên phố Láng Hạ. Sau một hồi tham quan và bất ngờ nhận ra chiếc Omnia Pro B7610 được cửa hàng treo giá 4,7 triệu đồng. Trước đó, model này được bán ở mức gần 9 triệu, nghĩ cửa hàng đề nhầm báo giá, anh Dũng hỏi lại nhân viên, những người bán hàng xác nhận, model này vừa được giảm giá. Bất ngờ vì mức hạ quá mạnh, tới hơn 4 triệu đồng, anh Dũng đã mua ngay chiếc smartphone chạy Windows Mobile 6.5 này.

Dạo qua một số cửa hàng lớn ở Hà Nội như Nhật Cường, Đức Minh, Hoàng Hà Mobile, giá bán model này đồng loạt đều nằm ở mức 4,7 triệu đồng. Trong khi đó, tại các hệ thống như Thế Giới Di Động, FPT Shop, giá vẫn là 8.999.000 đồng.

Đại diện Samsung cho biết, hiện hãng không còn sản xuất model này, việc giảm giá máy là do nhà phân phối và các đại lý điều chỉnh. Trong khi đó, Phú Thái – nhà phân phối Samsung cho biết, việc giá B7610 hạ mạnh như vậy là bởi họ đang “dọn kho” để đón model khác.

Đây là model có nhiều trang bị mạnh về kết nối và màn hình.

Samsung Omnia Pro B7610 bắt đầu bán ra tại Việt Nam từ trước Tết Canh Dần. Đây là thế hệ di động chạy Windows Mobile cuối cùng của Samsung cùng với Omnia II. Ngoài ra, B7610 cũng là một trong những smartphone đầu tiên sử dụng màn hình AMOLED của hãng.

Thiết bị sở hữu màn hình 3,5 inch, độ phân giải 800 x 480 pixel, giao diện TouchWiz và công nghệ cảm ứng điện trở. máy có thiết kế khá lớn, dày, bàn phím QWERTY trượt ngang.

Omnia Pro B7610 sử dụng vi xử lý 800 MHz, bộ nhớ trong 2GB, RAM 256MB, kết nối Wi-Fi, 3G, GPS, camera 5 Megapixel với đèn flash LED, hỗ trợ tự động lấy nét.

Cùng với Omnia Pro B7610, nhiều điện thoại Samsung ra mắt cùng thời, như Omnia II, Omnia HD đã bắt đầu ít có trên các kệ hàng. Đây là những mẫu smartphone giá tốt, mạnh mẽ các tính năng, tuy nhiên lại sử dụng nền tảng hệ điều hành cũ.

Từ đầu năm đến nay, Samsung tập trung vào hai nền tảng là Android và Bada. Chiếc Wave S8500 được quảng bá rầm rộ tại Việt Nam khá “hút khách”, nhiều đại lý cho biết, lượng máy về khá nhỏ giọt và thường bán hết ngay. Trong khi đó, model đáng chú ý nhất dòng Android là Galaxy S lại không về Việt Nam do nguồn cung màn hình Super AMOLED khan hiếm, hãng ưu tiên cho các thị trường khác như châu Âu, châu Mỹ. Sắp tới, các bản giá thấp như I5801, I5500 sẽ được bán ra với giá giá từ 4,5 tới 6 triệu đồng.

Galaxy S chính thức lên Android 2.2

Samsung cho biết, chiếc Galaxy S bắt đầu được nâng cấp lên bản Android 2.2. Froyo. Model này đã đạt mốc một triệu máy bán ra ở Mỹ sau 2 tháng.

Galaxy S I9000 đã chạm mốc 1 triệu máy bán ra ở Mỹ.

Tại thị trường  Mỹ, Galaxy S được phát hành dưới 4 phiên bản khác nhau dành cho các nhà mạng lớn gồm AT&T i897 Captivate, T-Mobile Vibrant, Verizon Fasscinate và Epic 4G của Sprint có bàn phím QWERTY.

Dù có đôi chút khác biệt về kiểu dáng, nhưng chúng đều chung trang bị như màn hình Super AMOLED 4 inch, camera 5 Megapixel hỗ trợ quay phim HD, Wi-Fi chuẩn n, Bluetooth 3.0, kết nối GPS.

Sau khoảng hai tháng bán ra, model này đã chạm mốc một triệu máy, đây là con số chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ.

Đồng thời với sự kiện trên, bàn Android 2.2 cũng đã chính thức có mặt. Người dùng có thể truy cập vào trang web, cập nhật thông qua phần mềm Kies. Hệ điều hành mới được nâng cấp về Flash, giao diện và tốc độ nhanh hơn.

Galaxy S là một trong những chiếc Android đáng chú ý nhất của Samsung, model mạnh về đồ họa, tốc độ 1 GHz, màn hình rực rỡ. Đáng tiếc, máy không bán chính thức tại thị trường Việt Nam.

Tháng 8, điện thoại mới rầm rộ lên kệ

Chỉ trong tháng 8, có tới 20 mẫu di động mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Đây là thời điểm đón nhiều máy mới nhất từ đầu năm.

Tháng này, một làn sóng điện thoại mới đã tràn vào Việt Nam, phần lớn tập trung ở phân khúc tầm trung và giá rẻ. Các thiết bị trên 10 triệu chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi hàng từ 5 đến 8 triệu và các bản dưới 4 triệu liên tục được các cửa hàng cập nhật.

Hàng nghìn người đã xếp hàng mua C5 hôm 8/8 tại 4 thành phố.

Các mẫu di động giá rẻ dưới 3 triệu tháng này về khá nhiều. Sony Ericsson sau một thời gian dài tập trung vào nhóm hàng cao cấp đã trở lại với Spiro W100i, điện thoại dòng Walkman với giá bán tầm 2 triệu đồng. Ngoài ra, hãng cũng có bản W20i Zylo với giá gần 4 triệu. Zylo được đánh giá cao bởi khả năng tạo tiếng sạch và tái tạo âm thanh.

Các thương hiệu nhỏ như Mobell, Cayon, K-Touch tập trung cho nhóm hàng dưới 2 triệu đồng, hỗ trợ hai SIM hai sóng cùng thiết kế màu sắc. Nhà sản xuất Hà Lan, Philips cùng mang về X710, pin dung lượng 1.900 mAh, thời gian chờ lên tới 30 ngày.

Ở phân khúc này, đáng chú ý là sự kiện C3 của Nokia. Ngày 8/8, tại 4 thành phố lớn, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, hàng nghìn người đã chen lấn để mua Nokia C3 giảm giá

500 nghìn đồng trong ngày đầu bán tại Việt Nam. Mẫu điện thoại bàn phím QWERTY có kết nối Wi-Fi này có giá chính thức là 2,8 triệu và giảm 500.000 đồng cho những người xếp hàng.

Dư âm C3 chưa dứt, 2 tuần sau, Nokia cũng trình làng một phiên bản giá rẻ, dự kiến có thể “gây sốt” là C1-00, điện thoại hỗ trợ 2 SIM đầu tiên của hãng. Tuy nhiên, các với các thương hiệu điện thoại 2 SIM, 2 sóng online xuất xừ từ Trung Quốc, model của nhà sản xuất Phần Lan chỉ online một sóng. Máy có giá 800.000 đồng, tích hợp đài FM và đèn pin sáng.

Ít ồn ào hơn hai phiên bản trên là Nokia C6, điện thoại cảm ứng kết hợp bàn phím QWERTY với hình thức không khác biệt với 5230 về cấu hình. Đây là model tầm trung, được bán ở mức 5,7 triệu đồng, hỗ trợ đầy đủ kết nối.

BlackBerry Torch 9800 là một trong hai mẫu máy cao cấp xuất hiện trong tháng.

Tháng qua, dòng cao cấp không có nhiều mẫu mới, chỉ có 2 model xuất hiện nhưng lại hướng tới nhóm khách hàng nhỏ.

BlackBerry Torch 9800 nhanh chóng đến Việt Nam qua đường xách tay ngay sau khi ra mắt và bán trên mạng AT&T của Mỹ. Chiếc smartphone chạy BlackBerry 6 này có giá tới 17,5 triệu và không nhiều nơi bán. Đây là mẫu di động đặc biệt của RIM bởi thiết kế kết hợp cả bàn phím QWERTY dạng trượt và màn hình chạm rộng 3,2 inch.

Mẫu di động mới thứ hai nằm trong nhóm giá cao là Acer Liquid E phiên bản Ferrari dành cho các “tín đồ” xe đua, giá bán tới 13,9 triệu đồng. Acer Liquid E có màu đỏ rực, logo của hãng xe Ý nổi bật, đi kèm là hình nền, video và kết nối tới các nội dung online của Ferrari.

Dòng Android tầm trung xuất hiện nhiều trong tháng.

Tháng 8 cũng chứng kiến sự ra mắt rầm rộ của điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, từ các thương hiệu nhỏ đến các nhà sản xuất tên tuổi như HTC, Sony Ericsson, Acer.

Acer là nhà sản xuất có nhiều model nhất, ngoài Liquid E Ferrari, hãng này còn có beTouch E400, beTouch E110 có giá 6,5 và 4 triệu đồng. Nếu như E110 giá thấp, đơn giản về kết nối, thì E400 được chú ý hơn bởi hỗ trợ đầy đủ kết nối, chạy Android 2.1.

WellCom, thương hiệu chuyên các dòng giá rẻ, cũng trình làng hai bản A88 3G và A68 chạy Android. Nếu như A88 3G hỗ trợ kết nối mạng tốc độ cao, Wi-Fi, camera 5 Megapixel thì A68 đơn giản hơn với máy ảnh 2 Megapixel, không có Wi-Fi. Model này có giá 3,1 triệu, chạy Android 1.5, trong khi mẫu cao cấp hơn sử dụng bản 1.6 và được bán ở mức 5 triệu đồng.

Tháng 8 còn chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt điện thoại Android tầm trung rất đáng chú ý như HTC Wildfire, Sony Ericsson Xperia X10 Mini Pro, Samsung Galaxy 3 I5800 hay LG GT540 Optimus. Giá bán các mẫu máy này từ 4,5 đến gần 8 triệu, hỗ trợ hệ điều hành bản 2.1, đầy đủ kết nối và hướng tới người dùng trẻ, tham gia mạng xã hội.

Samsung ra mắt di động chạy Bada mới Wave 723

Hôm nay, Samsung ra mắt chiếc di động chạy hệ điều hành Bada mới mang tên Wave 723 với màn hình 3,2 inch, máy ảnh 5 Megapixel, Wi-Fi chuẩn n.

Wave 723 với mặt da bảo vệ đi kèm.

Wave 723 là phiên bản mới nhất chạy hệ điều hành Bada của Samsung, trước đó hãng từng trình làng chiếc S8500 đã bán ở Việt Nam và hai model giá thấp hơn trong tháng 6.

Nhà sản xuất Hàn Quốc cho biết, Wave 723 sẽ hướng tới các tính năng chơi game, định vị, kết nối mạng xã hội cũng như truy cập vào gian ứng dụng Samsung Apps đang được phát triển cho nền tảng này. Thiết bị mới được trang bị màn hình LCD rộng 3,2 inch, camera 5 Megapixel, hỗ trợ tự động lấy nét, đèn flash LED. Máy có kết nối Wi-Fi chuẩn n. Thiết kế của Wave 723 mỏng 11,8 mm, mặt sau bằng kim loại, đi kèm là mặt da bảo vệ thời trang.

Model này sẽ được bán đầu tiên ở Đức tháng 9 này và sẽ có mặt tại châu Âu, châu Á và các vùng khác sau đó. Hiện chưa có thông tin về giá bán của thiết bị này, tuy nhiên với các tính năng và phần cứng đi kèm, máy sẽ có giá tốt hơn Wave S8500.

Bốn hệ điều hành thi khởi động

Windows Phone 7 tỏ ra nhanh hơn so với iOS 4 trên iPhone, Windows Mobile 6.5 và Android 2.2.

Đoạn video dưới đây được thực hiện từ 4 model chạy các hệ điều hành khác nhau. HTC HD2 sử dụng Windows Mobile 6.5, nền tảng sắp bị thay thế bởi Windows Phone 7, phần mềm được sử dụng trên bản thử nghiệm của LG.

Ngoài ra, danh sách còn có sự góp mặt của iPhone 4 chạy iOS 4 và Google Nexus One sử dụng Android 2.2 Froyo mới nhất. Đây là hai nền tảng dành cho smartphone được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian qua.

7JGHwaHcdKA

‘Dế’ 2 SIM đầu tiên của Nokia đến VN

Nokia C1-00 bắt đầu bán tại Việt Nam từ cuối tuần trước với giá 800.000 đồng, máy hỗ trợ 2 SIM, nhưng không online cùng lúc.

C1-00 là một trong hai chiếc di động hỗ trợ 2 SIM đầu tiên của Nokia, phiên bản C2-00 có giá cao và nhiều tính năng hơn chưa bán ra hỗ trợ online hai sóng cùng lúc. Trong khi đó, bản C1-00 đòi hỏi người dùng phải bấm nút chọn SIM nằm ở phím *.

Máy có bộ vỏ bằng nhựa, khá nhẹ và gọn gàng, nhỏ dần về hai đầu. Ngoài tính năng hai SIM với 2 khe cắm ở dưới pin, model này còn có giắc cắm tai nghe 3,5 mm, đài FM và một đèn pin phía trên.

Dưới đây là hình ảnh thực tế chiếc di động 2 SIM đầu tiên của Nokia đã bán tại Việt Nam.

Máy bán ra hiện có hai màu, đỏ thẫm…

…và phiên bản xanh.

C1-00 có kiểu dáng đơn giản, như nhiều mẫu di động giá rẻ từ Nokia, phía trên là màn hình màu TFT hỗ trợ 65 nghìn màu, rộng 1,8 inch, độ phân giải chỉ 128 x 160 pixel.

Bàn phím cao su của máy khá đơn giản, trong đó phím * kiêm chức năng chuyển SIM online.

Khi mở mặt sau.

Dễ nhận thấy hai khe cắm SIM nằm bên dưới pin.

Pin theo máy dung lượng 1.020 mAh. Nokia cho biết, thời gian đàm thoại liên tục lên tới 13 giờ, trong khi thời gian chờ là 48 ngày.

Trên đỉnh thiết bị là giắc cắm tai nghe 3,5 mm, hỗ trợ cắm headphone nghe đài FM, đèn pin với diện tích khá lớn.

Cạnh trái.

Cổng sạc bên cạnh phải.

Lỗ đeo dây treo phía dưới.

Mặt sau của máy…

…với loa ngoài phía trên.

Ký tự Nokia C1-00 nằm sát mép dưới.

Ưu, nhược của Nokia 5250

Di động cảm ứng giá thấp Nokia 5250 được đánh giá cao ở màn hình, thời lượng pin, nhiều tính năng, tuy nhiên kết nối của máy hạn chế.

Nokia 5250 là mẫu smartphone giá rẻ.

Sau khi ra mắt X3-02 Touch and Type, Nokia tiếp tục giới thiệu chiếc 5205, điện thoại cảm ứng giá rẻ hướng tới người dùng phổ thông. Khác với X3-02, model này chỉ sở hữu màn hình chạm và không có bàn phím số.

Máy chạy trên hệ điều hành Symbian^1, nền tảng trước đó được biết tới với tên gọi S60 phiên bản 5. Chiếc di động mới của Nokia sẽ chính thức bán ra trên thị trường với giá 115 euro (gần 3 triệu đồng).

Ngay sau khi công bố, một vài phiên bản đã có mặt ở Việt Nam thông qua đường xách tay với giá 2,4 triệu đồng, ngang bằng với nhiều điện thoại cảm ứng giá thấp của nhà sản xuất Phần Lan.

Nokia 5250 là model đáng cho nhiều điểm cộng. Giống như hầu hết các điện thoại sử dụng Symbian S50 5th edition, máy có độ phân giải màn hình 640 x 360 pixel. Đây là một điều ít thấy, bởi các điện thoại cảm ứng giá từ 6 triệu trở xuống của Samsung, Acer, HTC cũng chỉ dùng QVGA (320 x 240 pixel) hay WQVGA (400 x 240 pixel), số điểm ảnh chỉ bằng một nửa so với 5250. Điều này giúp cho mẫu di động này hỗ trợ xem ảnh, lướt web, hiển thị các ký tự sắc nét và chi tiết hơn.

Máy hỗ trợ nhiều tính năng.

Máy sử dụng giắc cắm tai nghe 3,5 mm, chuẩn kết nối được sử dụng trên nhiều thiết bị giải trí. Đáng tiếc, máy có bộ nhớ trong chỉ 51MB, nhưng người dùng có thể mở rộng bằng khe cắm thẻ nhớ microSD, hỗ trợ mở rộng thêm 16GB. Bên cạnh đó, 5250 còn có đài FM.

Nokia cho biết, 5250 có thể chơi nhạc tới 24 giờ và 18 ngày ở chế độ stanby. Ngoài ra, máy cũng cho phép đàm thoại liên tục 7 tiếng đồng hồ. Đây thực sự là những trang bị ấn tượng với một phiên bản có dung lượng pin 1.000 mAh.

Với kích thước 104 x 49 x 14 mm, nặng 107 gram, Nokia 5250 trông rất gọn và nhẹ. Máy có tới 5 màu khác nhau, kiểu dáng với các đường vát, cạnh vuông, nam tính và gọn hơn các phiên bản cảm ứng giá rẻ đi trước của hãng trước đây.

Một trong những điểm cộng đặc biệt cho model này là trò chơi Guitar Hero 5 Mobile được cài đặt sẵn. Người dùng dễ dàng đi vào kết nối mạng xã hội, truy cập e-mail và các tin tức thông qua các icon nằm trên màn hình Home.

Đáng tiếc, kết nối của máy hạn chế.

Nhược điểm của Nokia 5250 ở chỗ, máy quá hạn chế về kết nối. Nhắm tới những người dùng trẻ, thích kết nối mạng xã hội, gửi nhận e-mail, nhưng model này lại không có 3G lẫn Wi-Fi, người dùng chỉ có thể truy cập và GPRS hoặc EDGE, đây là một khó khăn trong khi tốc độ dữ liệu ngày càng lớn và đòi hỏi nhanh hơn.

Ứng dụng Facebook bằng SNS Gateway trên Bada

Ứng dụng tương tác trên nền Bada giúp người dùng smartphone cập nhật thông tin từ Facebook mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng và đơn giản.

Để xây dựng một ứng dụng tương tác được với mạng Facebook, bạn cần phải chuẩn bị như sau:

– Đầu tiên là tập tin manifest.xml với các privilege được xác thực bởi Bada. Chi tiết cụ thể tham khảo thêm trong cái tài liệu hướng dẫn của Bada SDK.

– Thứ hai, cần phải có API key và Application secret từ Facebook khi đăng ký viết một ứng dụng cho nó. Hai con số này sẽ được dùng để xác thực khi ứng dụng truy cập đến Facebook.

Xem thêm phần social trong các tài liệu hướng dẫn của bada SDK để biết cách làm cụ thể. Trong ứng dụng này, sử dụng tập tin manifest có sẵn trong ứng dụng mẫu SimpleTwitter của Bada SDK.

Sau khi tạo dự án, tiến hành thêm các thư viện cần thiết, bao gồm: FSocial, FSocialServices, FSocialServicesSnsAuth. Ngoài ra, trong tập tin manifest.xml cần phải thêm privilege là SNS_SERVICE, nếu dùng tập tin manifest.xml của SimpleTwitter thì nó đã được thêm rồi.

Xây dựng ứng dụng tương tác bằng SNS Gateway có 2 bước chính.

– Xác thực ứng dụng Bada với nhà cung cấp dịch vụ. Người dùng nhập username và password để đăng nhập vào Facebook (LoginForm).

– Sau khi đã xác thực, tiến hành truy xuất thông tin người dùng. Ở đây, sẽ chỉ dừng ở mức xem và thay đổi status cá nhân, và xem status của những người trong danh sách bạn bè (FacebookForm).

Lớp LoginForm sẽ có nhiệm vụ xác thực, nên nó sẽ kế thừa từ giao diện ISnsAuthenticatorListener và có một biến thành phần thuộc lớp SnsAuthenticator. Để xác thực ứng dụng với nhà cung cấp dịch vụ bạn phải gọi phương thức SnsAuthenticator::Authenticate(), phương thức này sẽ có 3 tham số lần lượt là:

– ServiceProvider: ở đây bạn truyền vào là “Facebook”.

– ConsumerKey: đây là chuỗi API key có được từ Facebook.

– ConsumerSecret: đây là chuỗi Application secret có được từ Facebook.

Sau khi gọi phương thức này, kết quả sẽ được trả về trong phương thức ISnsAuthenticator::OnSnsAuthenticated (Đây là phương thức bạn phải cài đặt lại khi kế thừa giao diện ISnsAuthenticatorListener). Trong phương thức này, bạn sẽ kiểm tra kết quả xác thực được trả về, nếu xác thực thành công bạn tiếp tục gọi phương thức SnsGateway::AddAuthResult để truyền kết quả đi, và chuyển sang FacebookForm để hiển thị thông tin. Đến đây nhiệm vụ của LoginForm đã kết thúc.

Lớp FacebookForm có nhiệm vụ hiển thị thông tin, nó gồm 3 phương thức cơ bản là: InitBuddyList, UpdateMyStatusText, SetStatusLabel có nhiệm vụ lần lượt là hiển thị danh sách bạn bè, cập nhật status của bạn lên Facebook và hiển thị status hiện thời của bạn

Lớp FacebookManager là lớp trọng tâm của ứng dụng này, nó sẽ chịu trách nhiệm xử lý qua lại giữa LoginForm và FacebookForm cũng như truy xuất thông tin của người dùng từ Facebook. Nó gồm 2 biến thành phần thuộc lớp LoginForm và FacebookForm và thêm một biến thành phần thuộc lớp SnsGateway có nhiệm vụ trao đổi dữ liệu

giữa ứng dụng và Facebook. Lớp SnsGateway có nhiều phương thức hữu ích giúp bạn có thể truy xuất cũng như cập nhật thông tin với Facebook một cách dễ dàng. Trong ứng dụng này chúng ta chỉ truy xuất các thông tin cơ bản, do đó lớp FacebookManager sẽ kế thừa 2 giao diện ISnsGatewayListener (phải có) và ISnsPeopleListener (để truy xuất và cập nhật status).

Ngoài ra còn có thêm 2 giao diện khác mà bạn có thể kế thừa để truy xuất thêm các thông tin khác là ISnsContentListener và ISnsActivityListener. Trong phương thức Contruct của lớp SnsGateway có 4 tham số tương ứng với 4 thể hiện của 4 giao diện này, tuy nhiên ta chỉ dùng 2 trong số đó nên 2 tham số còn lại ta để là null. Việc kế thừa 2 giao diện trên thì đồng nghĩa với việc bạn phải cài đặt lại các phương thức ảo của chúng:

Giao diện ISnsGatewayListener có phương thức OnSnsLoggedInStatusReceived, ở đây ta không sử dụng nó nên phương thức này được để trống.

Giao diện ISnsPeopleListener có 4 phương thức lần lượt là:

– OnMySnsBuddiesReceivedN: được gọi đến khi bạn gọi phương thức SnsGateway::GetMyBuddies để truy xuất danh sách bạn bè, kết quả truy xuất sẽ được trả về trong phương thức này.

– OnMySnsStatusTextUpdated: được gọi đến khi bạn gọi phương thức SnsGateway::UpdateMyStatusText để cập nhật status. Kết quả được server trả về trong phương thức này.

– OnSnsProfileReceivedN: được gọi đến khi phương thức SnsGateway::GetProfile() hoàn tất, kết quả được trả về trong phương thức này. Ở ứng dụng này tôi không dùng nó, nên nó được để trống.

– OnSnsStatusTextReceived: được gọi đến khi bạn gọi phương thức SnsGateway::GetStatusText để lấy status hiện thời của mình, kết quả sẽ được server trả về trong phương thức này.

Bạn có thể tham gia cuộc thi “Samsung bada – Developer challenge” để gửi các ứng dụng dự thi và giành các giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng cho người thắng cuộc và gần 1,5 tỷ đồng cho các giải thưởng còn lại.

Tham khảowebsite: http://www.samsungbada.vn/