Các loại cảm biến trong nền tảng bada

Đối với nền tảng di động bada, Samsung cung cấp và hỗ trợ hàng loạt các tính năng cảm biến để gia tăng trải nghiệm của người dùng trên các ứng dụng.

Tính năng cảm biến trên bada giúp các lập trình viên phát triển thành nhiều ứng dụng tương tác thú vị.

Nền tảng bada được hỗ trợ rất mạnh tính năng cảm biến, do đó người dùng có thể phát triển nhiều ứng phần mềm, trò chơi sử dụng nhiều loại cảm biến khác nhau trong bada.

Có 6 loại cảm biến trong nền tảng này.

Cảm biến gia tốc: dùng để xác định hướng di chuyển của điện thoại, với cảm biến này người dùng có thể viết một chương trình tính quãng đường chạy bộ.

Cảm biến định vị: với cảm biến này, chiếc điện thoại của bạn sẽ trở thành một thiết bị GPS để xác định vị trí của bạn trên mọi nơi trên thế giới. Cảm biến này được ứng dụng để tìm đường đi, xác định chỗ đậu xe.

Cảm biến từ trường: khả năng nhận biết từ trường của điện thoại giúp chúng ta viết được các ứng dụng như la bàn, hoặc nhận biết kim loại gần điện thoại.

Cảm biến trạng thái: cảm biến này dùng để xác định có vật thể gần điện thoại của bạn hay không. Một trong những ứng dụng có thể tận dụng tính năng này là xác định thao tác người dùng đưa điện thoại lên tai.

Cảm biến góc nghiêng: khi người dùng dùng xoay điện thoại thì góc xoay có thể được nhận biết thông qua cảm biến góc nghiêng. Cảm biến này có thể được phát triển thành ứng dụng tắt chuông khi người dùng úp mặt điện thoại xuống hoặc sử dụng trong các trò chơi đua xe.

Cài đặt cảm biến thông qua SensorManager.

Samsung giới thiệu Wave II màn hình 3,7 inch

Samsung vừa ra mắt phiên bản nối tiếp Wave S8500 mang tên S8530 với màn hình Super Clear LCD rộng 3,7 inch, vi xử lý 1GHz, quay video HD.

Wave II với màn hình rộng hơn.

Wave II cao cấp hơn các bản Wave 2, Wave 2 Pro và Wave 723 đã được giới thiệu. Đây là chiếc smartphone này là thiết bị thứ 5 chạy Bada được công bố, máy nâng cấp các tính năng của Wave S8500.

Thay đổi với phiên bản đàn anh là model này sử dụng màn hình Super Clear LCD thay cho Super AMOLED. Màn hình của máy rộng 3,7 inch, độ phân giải WVGA.

Chiếc Bada mới có vi xử lý 1GHz, camera 5 Megapixel với đèn flash LED, quay video HD 720p. Wave II hỗ trợ kết nối Bluetooth 3.0, Wi-Fi chuẩn b/g/n, cho phép cài hơn 1.000 ứng dụng từ Samsung Apps, trong đó phần lớn là miễn phí.

Wave II sẽ có mặt tại châu Âu trong tháng 11 với giá khoảng 590 USD (gần 12 triệu đồng).

Samsung chuẩn bị bán hai di động Wave mới

Samsung chuẩn bị đưa ra thị trường châu Âu chiếc Wave 723 và Wave 2 Pro, đây là những thiết bị chạy Bada nối tiếp thành công của S8500.

Bộ đôi này chuẩn bị có mặt tại Tây Ban Nha và một số nước châu Âu khác trước khi xuất hiện ở châu Á, Mỹ La tinh. Wave 2 Pro S5330 (hay còn có tên Wave 533 sẽ có giá dưới 240 euro (6,5 triệu), model này được hãng giới thiệu hồi tháng 6.

Máy sở hữu bàn phím QWERTY trượt ngang, chạy Bada, màn hình cảm ứng điện dung 3,2 inch, độ phân giải WQVGA, đa điểm. Wave 2 Pro còn thêm camera 3,2 Megapixel, khe cắm thẻ nhớ microSD, tích hợp GPS, kết nối Wi-Fi chuẩn n và Bluetooth.

Trong khi đó, mẫu Wave 723 lại sở hữu màn hình 3,2 inch, thiết kế dạng thanh. Máy có cấu hình tương đương bản Wave 2 Pro, nhưng camera nâng lên 5 Megapixel và thêm kết nối 3G. Mẫu máy này có giá 279 euro (tương đương 7,5 triệu).

Samsung chấm dứt hỗ trợ Symbian

Hôm qua, Samsung thông báo sẽ chấm dứt hỗ trợ Symbian từ cuối năm nay, sau chiếc Omnia HD, nhà sản xuất này đang chú trọng vào Android và Bada.

Omnia HD, một trong những mẫu di động chạy Symbian cuối cùng của Samsung.

Thông báo của Samsung đồng nghĩa với việc, hãng sẽ từ bỏ nền tảng mà Nokia đang theo đuổi, chuyển sang phát triển smartphone chạy Android đồng thời tiếp tục xây dựng Bada, hệ điều hành riêng của mình.

Samsung là một trong số những tên tuổi nhiệt tình với Symbian trước đây. Hiện hệ điều hành này do Nokia sở hữu, nhà sản xuất Phần Lan mới đây đã nâng cấp lên Symbian^3 làm tiền đề cho Symbian^4 với nhiều thay đổi trong năm tới.

Samsung cho biết, mọi hỗ trợ dành cho Symbian sẽ chấm dứt từ 30/12, các ứng dụng nền tảng này cũng sẽ không có trong kho ứng dụng Samsung Apps.

Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc phụ trách công nghệ Sony Ericsson khẳng định, Vivaz là dòng sản phẩm cuối cùng chạy Symbian của hãng. Liên minh Nhật Bản – Thụy Điển sẽ chuyển sang Android và các nền tảng mới khác. Một tên tuổi khác là Motorola cũng không còn mặn mà với Symbian, trong vài năm trở lại đây, nhà sản xuất này đang thành công với Android.

Symbian là nền tảng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, có mặt trên hầu hết các mẫu điện thoại của Nokia. Thị phần của Synmbian giảm xuống còn 41,2% trong quý II năm nay từ mức 51% cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của hãng Gartner (Mỹ).

Một triệu Samsung Wave đã bán ở châu Âu

Samsung vừa thông báo, hãng đã bán được một triệu Wave S8500 chỉ riêng ở châu Âu, tháng 7 vừa rồi, model này đã đạt doanh số một triệu trên toàn thế giới.

Wave S8500 là chiếc smartphone Bada đầu tiên.

Samsung Wave là chiếc smartphone đầu tiên của Samsung chạy trên nền Bada, model có thiết kế đẹp, cấu hình mạnh và khả năng xử lý tốt. Tại châu Âu, máy cán đích một triệu máy sau 4 tháng có mặt trên thị trường.

Tháng 7 vừa rồi, model này đã đạt một triệu máy, nhưng ở quy mô toàn thế giới. Hiện hãng chưa công bố con số tiếp theo. Nhà sản xuất đang có kế hoạch đưa Wave về quê hương vào cuối năm nay, hiện thị trường Hàn Quốc vẫn chưa bán máy.

Wave S8500 nổi bật với màn hình Super AMOLED rộng 3,3 inch, kết nối Wi-Fi, GPS, camera 5 Megapixel hỗ trợ quay phim HD.

Hiện tại, nền tảng Bada đã có thêm 3 model gồm Wave 2, Wave 2 Pro và Wave 723.

Lập trình ứng dụng định vị bản đồ trên bada

Việc viết nên một ứng dụng định vị GPS cho thiết bị di động khá thú vị và không quá khó khăn khi người lập trình nắm vững một số nguyên lý.

Nếu hoàn tất một cách suôn sẻ, ứng dụng bạn sẽ dễ dàng xác định được vị trí hiện tại của chiếc điện thoại trên bản đồ thế giới dựa vào giá trị hoành độ (latitude), tung độ (longitude) và cao độ (altitude).

Lấy giá trị hoành độ, tung độ và cao độ đưa vào GoogleMap để xác định vị trí hiện tại trên bản đồ thế giới.

Bạn có thể tìm thấy các ứng dụng mẫu có đề cập đến vấn đề location có sẵn đi cùng với SDK. Các kiến thức cần phải trang bị trước bao gồm:

  1. Cách sử dụng Google Maps (Web, Javascript, Google Maps API).
  2. Cách sử dụng điểu khiển Web (WebControl) của bada.
  3. Cách hữu hiệu (enable) chức năng GPS trên điện thoại và sử dụng APIs để lấy giá trị hoành độ (latitude) và tung độ (longitude).

Giải pháp để xây dựng ứng dụng như sau: Tạo ra một tập tin gọi là “map.html”. Tập tin này sẽ chứa các khai báo và phương thức để nạp và xử lý bản đồ. Trên ứng dụng bada, bạn gắn vào đó một điều khiển web gọi là WebControl để nạp (load) tập tin “map.html” lên để hiển thị. Ngoài ra, gắn thêm các điều khiển khác chẳn hạn Button, EditText để lấy thông tin từ người sử dụng nhập vào. Sử dụng APIs có sẵn của bada để ứng dụng có thể lấy được giá trị (latitude, longitude). Sử dụng WebControl để gọi các phương thức bằng (Javascript) trong tập tin “map.html”. Đồng thời truyền các thông tin cần xử lý và hiển thị lên cho GoogleMap.

Click vào đây để biết tạo tập tin” “map.html” và các phương thức xử lý cơ bản.

Nằm trong chuỗi các hoạt động của nền tảng bada, Samsung sẽ tổ chức “Ngày hội bada” dành cho các bạn sinh viên CNTT tại Đại học Tự nhiên TP HCM (ngày 10/9), Đại học Bách Khoa TP HCM (18/9), Đại học FPT (22/9) và Đại học Bách khoa HN (25/9). Đây là cơ hội để sinh viên có thể khám phá thêm về nền tảng bada cùng cuộc thi “Samsung bada- Developer Challenge”. Ngoài ra, khi tham dự “Ngày hội bada”, sinh viên còn có cơ hội trúng thưởng các sản phẩm như điện thoại Samsung Wave, netbook Samsung, máy MP3…

14 triệu lượt tải ứng dụng cho Samsung Wave

Hôm qua, gian ứng dụng Samsung Apps kỷ niệm một năm ra mắt, trong đó riêng nền tảng Bada đã có 14 triệu lượt tải về.

Gian ứng dụng cho Samsung Wave hiện có nhiều phần mềm Việt.

Hiện trên thị trường, Samsung mới chỉ bán Wave S8500 là thiết bị duy nhất chạy hệ điều hành Bada. Ba phiên bản Wave 2, Wave 2 Pro và Wave 723 sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian tới.

Samsung cho biết, từ khi Wave S8500 xuất hiện, đã có 14 triệu lượt tải ứng dụng dành cho chiếc smartphone này. Đáng chú ý, Wave chỉ mới được bán ra từ tháng 6 vừa rồi. Tuy vậy, con số 14 triệu lượt tải phần mềm cho model này là ít nếu so với App Store trên iPhone.

Gian ứng dụng Samsung Apps ra mắt tháng 9 năm ngoái tại 4 nước là Anh, Pháp, Đức và Italy. Sau một năm, Samsung Apps đã được sử dụng ở 109 quốc gia.

Hiện tại, không chỉ hỗ trợ di động với các nền tảng Bada, Android, Java, gian ứng dụng Samsung Apps còn cho phép tải các phần mềm cho TV như Game, ebook, các dịch vụ giải trí, kết nối khác.

Samsung ra mắt di động chạy Bada mới Wave 723

Hôm nay, Samsung ra mắt chiếc di động chạy hệ điều hành Bada mới mang tên Wave 723 với màn hình 3,2 inch, máy ảnh 5 Megapixel, Wi-Fi chuẩn n.

Wave 723 với mặt da bảo vệ đi kèm.

Wave 723 là phiên bản mới nhất chạy hệ điều hành Bada của Samsung, trước đó hãng từng trình làng chiếc S8500 đã bán ở Việt Nam và hai model giá thấp hơn trong tháng 6.

Nhà sản xuất Hàn Quốc cho biết, Wave 723 sẽ hướng tới các tính năng chơi game, định vị, kết nối mạng xã hội cũng như truy cập vào gian ứng dụng Samsung Apps đang được phát triển cho nền tảng này. Thiết bị mới được trang bị màn hình LCD rộng 3,2 inch, camera 5 Megapixel, hỗ trợ tự động lấy nét, đèn flash LED. Máy có kết nối Wi-Fi chuẩn n. Thiết kế của Wave 723 mỏng 11,8 mm, mặt sau bằng kim loại, đi kèm là mặt da bảo vệ thời trang.

Model này sẽ được bán đầu tiên ở Đức tháng 9 này và sẽ có mặt tại châu Âu, châu Á và các vùng khác sau đó. Hiện chưa có thông tin về giá bán của thiết bị này, tuy nhiên với các tính năng và phần cứng đi kèm, máy sẽ có giá tốt hơn Wave S8500.

Ứng dụng Facebook bằng SNS Gateway trên Bada

Ứng dụng tương tác trên nền Bada giúp người dùng smartphone cập nhật thông tin từ Facebook mọi lúc mọi nơi một cách nhanh chóng và đơn giản.

Để xây dựng một ứng dụng tương tác được với mạng Facebook, bạn cần phải chuẩn bị như sau:

– Đầu tiên là tập tin manifest.xml với các privilege được xác thực bởi Bada. Chi tiết cụ thể tham khảo thêm trong cái tài liệu hướng dẫn của Bada SDK.

– Thứ hai, cần phải có API key và Application secret từ Facebook khi đăng ký viết một ứng dụng cho nó. Hai con số này sẽ được dùng để xác thực khi ứng dụng truy cập đến Facebook.

Xem thêm phần social trong các tài liệu hướng dẫn của bada SDK để biết cách làm cụ thể. Trong ứng dụng này, sử dụng tập tin manifest có sẵn trong ứng dụng mẫu SimpleTwitter của Bada SDK.

Sau khi tạo dự án, tiến hành thêm các thư viện cần thiết, bao gồm: FSocial, FSocialServices, FSocialServicesSnsAuth. Ngoài ra, trong tập tin manifest.xml cần phải thêm privilege là SNS_SERVICE, nếu dùng tập tin manifest.xml của SimpleTwitter thì nó đã được thêm rồi.

Xây dựng ứng dụng tương tác bằng SNS Gateway có 2 bước chính.

– Xác thực ứng dụng Bada với nhà cung cấp dịch vụ. Người dùng nhập username và password để đăng nhập vào Facebook (LoginForm).

– Sau khi đã xác thực, tiến hành truy xuất thông tin người dùng. Ở đây, sẽ chỉ dừng ở mức xem và thay đổi status cá nhân, và xem status của những người trong danh sách bạn bè (FacebookForm).

Lớp LoginForm sẽ có nhiệm vụ xác thực, nên nó sẽ kế thừa từ giao diện ISnsAuthenticatorListener và có một biến thành phần thuộc lớp SnsAuthenticator. Để xác thực ứng dụng với nhà cung cấp dịch vụ bạn phải gọi phương thức SnsAuthenticator::Authenticate(), phương thức này sẽ có 3 tham số lần lượt là:

– ServiceProvider: ở đây bạn truyền vào là “Facebook”.

– ConsumerKey: đây là chuỗi API key có được từ Facebook.

– ConsumerSecret: đây là chuỗi Application secret có được từ Facebook.

Sau khi gọi phương thức này, kết quả sẽ được trả về trong phương thức ISnsAuthenticator::OnSnsAuthenticated (Đây là phương thức bạn phải cài đặt lại khi kế thừa giao diện ISnsAuthenticatorListener). Trong phương thức này, bạn sẽ kiểm tra kết quả xác thực được trả về, nếu xác thực thành công bạn tiếp tục gọi phương thức SnsGateway::AddAuthResult để truyền kết quả đi, và chuyển sang FacebookForm để hiển thị thông tin. Đến đây nhiệm vụ của LoginForm đã kết thúc.

Lớp FacebookForm có nhiệm vụ hiển thị thông tin, nó gồm 3 phương thức cơ bản là: InitBuddyList, UpdateMyStatusText, SetStatusLabel có nhiệm vụ lần lượt là hiển thị danh sách bạn bè, cập nhật status của bạn lên Facebook và hiển thị status hiện thời của bạn

Lớp FacebookManager là lớp trọng tâm của ứng dụng này, nó sẽ chịu trách nhiệm xử lý qua lại giữa LoginForm và FacebookForm cũng như truy xuất thông tin của người dùng từ Facebook. Nó gồm 2 biến thành phần thuộc lớp LoginForm và FacebookForm và thêm một biến thành phần thuộc lớp SnsGateway có nhiệm vụ trao đổi dữ liệu

giữa ứng dụng và Facebook. Lớp SnsGateway có nhiều phương thức hữu ích giúp bạn có thể truy xuất cũng như cập nhật thông tin với Facebook một cách dễ dàng. Trong ứng dụng này chúng ta chỉ truy xuất các thông tin cơ bản, do đó lớp FacebookManager sẽ kế thừa 2 giao diện ISnsGatewayListener (phải có) và ISnsPeopleListener (để truy xuất và cập nhật status).

Ngoài ra còn có thêm 2 giao diện khác mà bạn có thể kế thừa để truy xuất thêm các thông tin khác là ISnsContentListener và ISnsActivityListener. Trong phương thức Contruct của lớp SnsGateway có 4 tham số tương ứng với 4 thể hiện của 4 giao diện này, tuy nhiên ta chỉ dùng 2 trong số đó nên 2 tham số còn lại ta để là null. Việc kế thừa 2 giao diện trên thì đồng nghĩa với việc bạn phải cài đặt lại các phương thức ảo của chúng:

Giao diện ISnsGatewayListener có phương thức OnSnsLoggedInStatusReceived, ở đây ta không sử dụng nó nên phương thức này được để trống.

Giao diện ISnsPeopleListener có 4 phương thức lần lượt là:

– OnMySnsBuddiesReceivedN: được gọi đến khi bạn gọi phương thức SnsGateway::GetMyBuddies để truy xuất danh sách bạn bè, kết quả truy xuất sẽ được trả về trong phương thức này.

– OnMySnsStatusTextUpdated: được gọi đến khi bạn gọi phương thức SnsGateway::UpdateMyStatusText để cập nhật status. Kết quả được server trả về trong phương thức này.

– OnSnsProfileReceivedN: được gọi đến khi phương thức SnsGateway::GetProfile() hoàn tất, kết quả được trả về trong phương thức này. Ở ứng dụng này tôi không dùng nó, nên nó được để trống.

– OnSnsStatusTextReceived: được gọi đến khi bạn gọi phương thức SnsGateway::GetStatusText để lấy status hiện thời của mình, kết quả sẽ được server trả về trong phương thức này.

Bạn có thể tham gia cuộc thi “Samsung bada – Developer challenge” để gửi các ứng dụng dự thi và giành các giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng cho người thắng cuộc và gần 1,5 tỷ đồng cho các giải thưởng còn lại.

Tham khảowebsite: http://www.samsungbada.vn/