“Dế” 3G có đắt?

sony-ericsson2

Những mẫu ĐTDĐ 3G  bán trên thị trường Việt Nam có khung giá rất đa dạng. Tuy nhiên, mẫu máy giá bình dân nhất cũng khoảng 2,5 triệu đồng, còn phần lớn có giá từ 3, 5 đến 4 triệu đồng trở lên.

Thực tế tính năng 3G vẫn chưa phải là mối quan tâm số 1 của nhiều người dùng di động. Thường các tính năng như chụp ảnh, nghe nhạc được nhiều người lưu ý hơn khi đi mua điện thoại. Quan sát trên các website của các hãng bán ĐTDĐ, vẫn còn nhiều website thiếu vắng “trường 3G” trong khu vực tìm kiếm sản phẩm theo tính năng, và xuất hiện nhiều nhất là chụp ảnh, GPRS, MP3, bluetooth, quay phim….

Theo Viễn Thông A, điện thoại 3G khá thu hút nhờ các tính năng tiện ích và hỗ trợ tối đa trong việc kết nối liên lạc như truy cập internet, gửi và nhận tin nhắn bằng hình ảnh hoặc dữ liệu với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, dòng máy này vẫn chưa được thông dụng với nhiều người dùng di động, do chưa có hệ thống mạng di động hỗ trợ tính năng 3G tại Việt Nam. Nhưng Viễn Thông A cho rằng điều này sẽ sớm được “hóa giải” khi các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động Việt Nam cung cấp và hỗ trợ khách hàng các dịch vụ ứng dụng công nghệ 3G. Hiện nay, thị trường ĐTDĐ Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều dòng điện thoại 3G từ Nokia, Samsung, Sony Ericsson, LG, Apple …. Viễn Thông A dự đoán sắp tới các mẫu máy 3G sẽ đa dạng hơn.

Giá đắt không phải “vì 3G”

Nokia khá nổi bật trong “giới điện thoại 3G” với những mẫu máy có giá gần 30 triệu đồng, như chiếc Nokia 8800 Gold Arte có giá gần 28 triệu đồng, hay chiếc Nokia 8800 carbon Arte có giá gần 25 triệu đồng. Đây được xem là những mẫu điện thoại đẳng cấp. Tuy nhiên, mức giá đắt của những mẫu máy này không nằm ở tính năng 3G, mà nằm ở “phong cách”. Chiếc Nokia 8800 Gold Arte có vỏ bọc 18 carat vàng và da chất lượng cao – yếu tố khiến mẫu máy này có giá đắt đến vậy. Ngoài ra, mẫu máy này cũng có một số tính năng đáng chú ý như camera 3,2 MP, tự động lấy nét; nghe nhạc /xem phim MP3, MP4; bộ nhớ trong 4GB; kết nối 3G, bluetooth. Còn Nokia 8800 carbon Arte lại đắt ở vỏ làm bằng sợi carbon, titan, thép không gỉ; màn hình bằng kính mài bóng. Mặc dù được bán với mức giá cao như vậy, nhưng xét về tính năng, các mẫu điện thoại này vẫn thiếu những chức năng giải trí “vốn có” so với rất nhiều mẫu “dế” giá bình dân hơn, như không có FM Radio, không xem TV, không có wi -fi, không GPS, màn hình OLED 2 inch, 16 triệu màu song không cảm ứng.

Ngoài dòng máy cao cấp trên, thị trường có khá nhiều mẫu ĐTDĐ 3G giá phải chăng hơn, có thể thực hiện các chức năng thoại và ngoài thoại như tải dữ liệu, gửi email, tin nhắn nhanh, hình ảnh…

Những “dế” 3G giá bình dân

Q-Mobile T630

Giá tham khảo: 2.400.000 VNĐ, bảo hành: 12 tháng. Q -Mobile đang nổi tiếng với nhãn hiệu “dế” bình dân.

Máy có màn hình TFT 3.0 inch, “biết” chụp ảnh; quay phim; xem phim; nghe nhạc; radio FM; xem TV; T630 hỗ trợ các loại tin nhắn SMS /MMS; email; hỗ trợ 2 sim.

Sony Ericsson W660I

Giá tham khảo: 2.959.000 VNĐ.

Đây là mẫu điện thoại nghe nhạc Walkman của Sony Ericsson. Thiết kế máy mảnh mai, sang trọng với trình nghe nhạc Walkman 2.0. Dĩ nhiên, đây cũng là một chiếc điện thoại 3G, thực hiện cuộc gọi hình ảnh. Các chức năng giải trí bao gồm máy ảnh 2 MP, độ phân giải 1600×1200 pixels, máy ảnh phụ để thực hiện cuộc gọi video; quay phim tùy thuộc bộ nhớ, xem phim MP4, nghe nhạc MP3, AAC, AMR; tin nhắn SMS /MMS/Email/Instant Messaging. Màn hình 2 inches, sử dụng loại pin Li -Ion có thời gian đàm thoại 6 giờ, thời gian chờ 360 giờ.

Samsung L700

Giá tham khảo: 2.499.000 VNĐ

samsung1

Tính năng nổi bật: Có thiết kế thời trang, hỗ trợ thẻ nhớ tối đa 8 GB, FM radio, camera 2.0MP, đèn flash, bluetooth, quay phim tùy thuộc bộ nhớ, tin nhắn SMS /EMS/MMS/Email.

Nokia N78

Giá tham khảo: 4.890.000 VNĐ, bảo hành: 12 tháng

Máy ảnh số 3.15 MP, độ phân giải 2048 x 1536 pixels, tự động lấy điểm, video, đèn flash; camera phụ để thực hiện cuộc gọi video. Máy dùng hệ điều hành Symbian OS, nghe nhạc MP3 /M4A/AAC/eAAC+/WMA ; nghe đài Stereo FM radio; ra lệnh bằng giọng nói, ghi âm giọng nói.

Sony Ericsson Z770i

Giá tham khảo: 3.989.000 VNĐ, bảo hành 12 tháng.

Các tính năng giải trí gồm máy ảnh 2.0 megapixels, độ phân giải 1600×1200 pixels, video, nghe nhạc MP3 /AAC, chỉnh sửa ảnh, blog, quay số bằng giọng nói, trình duyệt WAP 2.0/HTML, RSS reader.

Theo Ic

‘Dế’ 3G nhiều nhưng chưa ‘hot’

Điện thoại có kết nối 3G tràn ngập thị trường nhưng người tiêu dùng từ trước đến nay chưa quan tâm đến tính năng này nhiều.

Đầu tháng tư, bốn nhà mạng ở Việt Nam bắt đầu được cấp giấy phép triển khai mạng 3G. Tuy nhiên, trên thị trường di động, điện thoại có kết nối 3G đã phổ biến từ lâu. Thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng hơn bao giờ hết.

xda-exec-1

O2 Exec mẫu di động đình đám có kết nối 3G sớm tại Việt Nam. Ảnh: Cnet.

Di động có kết nối 3G xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm 2005. Những model 3G nổi là Sony Ericsson P990i, Nokia 6630 và đặc biệt là chiếc O2 Exec (được biết đến với tên gọi HTC Universal) “nổi đình nổi đám” trên thị trường xách tay. Hiện tại, điện thoại di động còn sở hữu những công nghệ hỗ trợ kết nối tốc độ cao hơn 3G như HSUPA, HSDPA (3,5G)… cho phép truyền tải dữ liệu tốc độ cao hơn.

Mãi tới cuối năm 2007, các nhà mạng ở Việt Nam mới triển khai EGDE (được gọi là 2,75G), việc lướt web và xem các dịch vụ nội dung trên kết nối này chậm, không những thế giá cả còn rất đắt đỏ. Thực tế sử dụng cho thấy kết nối EDGE chỉ hơn GPRS một chút. Nhiều người coi dùng EGDE là lựa chọn thứ cấp, trong trường hợp bất khả kháng.

Ngoài EGDE và GPRS, một lựa chọn khác để kết nối Internet di động tại Việt Nam hiện tại là Wi-Fi. Những người thường xuyên lướt web bằng điện thoại coi Wi-Fi là lựa chọn đầu tiên bởi tốc độ nhanh, giá thành rẻ, thậm chí còn chẳng mất phí vì các quán cafe Wi-Fi xuất hiện như nấm sau mưa tại các thành phố lớn, cho phép truy cập Wi-Fi miễn phí. Một người dùng Internet tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho hay, chẳng cần 3G anh vẫn lướt web, tải nhạc, xem phim trên di động một cách đơn giản.

iphone-3g-2

iPhone 3G được chú ý nhiều ở tính năng nghe nhạc, chơi game và lướt web qua Wi-Fi.
Ảnh: Quốc Huy.

Chính vì lý do đó, nên dù sắp có 3G, người tiêu dùng khi mua máy cũng chỉ để ý đến Wi-Fi, bộ nhớ lớn hay nhiều tính năng giải trí.

Smartphone trở nên phố biến trên thị trường di động trong năm 2008, từ model chạy Symbian S40, S60 của Nokia, Samsung đến BlackBerry, iPhone hay các PDA phone chạy Windows Mobile. Hầu hết các thiết bị này đều có kết nối 3G, nhưng tới Việt Nam, tính năng này không được mang ra quảng cáo.

Anh Đỗ Ngọc Tú (Hai Bà Trưng – Hà Nội), một người chuyên bán hàng xách tay cho biết, các khách hàng mua PDA phone, BlackBerry, iPhone hay Nokia cao cấp đều quan tâm đến việc di động của họ cài đặt phần mềm như thế nào, hỗ trợ các tính năng giải trí có tốt không hoặc định vị GPS. “Rất ít người hỏi có 3G không, bởi nếu có cũng không biết thử cách nào. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây sau khi có thông tin các nhà mạng bắt đầu triển khai 3G, đã có nhiều người hỏi điện thoại 3G làm được gì”, anh Tú cười nói.

samsung-l700-3

Samsung L700, mẫu di động có kết nối 3G giá rẻ. Ảnh: Gsmarena.

“Dế” có kết nối 3G rẻ nhất phải trên hai triệu đồng. Rẻ nhất hiện nay, người dùng có thể chọn Samsung L700 (2,4 triệu đồng), Sony Ericsson W660i (2,9 triệu đồng). Đây là các model có thiết kế đơn giản, camera khoảng 2 Megapixel và hỗ trợ chơi nhạc.

Cao hơn một chút, các model tầm trung như Nokia N70 (3,9 triệu đồng), Sony Ericsson Z770 (4 triệu đồng), T700 (4,3 triệu đồng) so với các model dưới 3 triệu chỉ nâng cấp về thiết kế. Trong tầm giá này, đáng chú ý có hai chiếc smarphone doanh nhân là Nokia E51, E63 (4,6 triệu đồng).

Trong khi đó, từ 5 triệu đồng trở lên, người dùng đã có thể tìm mua nhiều model sở hữu kết nối 3G dễ dàng hơn. Đáng chú ý có Nokia N81, E65, Samsung F480 (5 đến 6 triệu đồng), Nokia N82, 5800 XpressMusic, E71, E66 hay Sony Ericsson C902, G900 (6 đến 9 triệu đồng). Hầu hết đây là các smartphone với thiết kế đẹp, đa tính năng, hỗ trợ cả Wi-Fi.

Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp, hầu như model nào cũng có kết nối 3G, từ iPhone 3G, Samsung Omnia, Nokia N96, Sony Ericsson Xperia X1 (10 đến 16 triệu đồng) đến “dế” siêu sang dòng 8800 Arte của Nokia (18 đến 20 triệu đồng).

Theo SH

Chọn điện thoại Samsung

Điện thoại di động của Samsung với 6 dòng, rải đều từ phân khúc giả rẻ đến những model thời trang, hội tụ công nghệ cùng nhiều sản phẩm giải trí hay dành cho doanh nhân.

Tiền thân Samsung chỉ là nhà sản xuất các thiết bị gia dụng. Sau chiến tranh Triều Tiên (1950), họ mới bắt đầu chuyển sang phát triển thiết bị viễn thông. Đến nay, Samsung là một trong hai tên tuổi lớn nhất thế giới trên thị trường di động toàn cầu.

Samsung là một trong hai tên tuổi di động lớn nhất toàn cầu. Ảnh: Giang Thy.

Tháng hai năm nay, tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC), hãng đã chính thức phân chia lại các dòng điện thoại của mình. Dựa trên các model mới, hãng chia ra 15 phân khúc tập trung trong 6 nhóm mặt hàng chính, gồm Style (thời trang), Infotainment (hội tụ công nghệ), Multimedia (giải trí đa phương tiện), Connected (kết nối), Essential (cơ bản) và Business (doanh nhân).

Tại triển lãm Việt Nam Telecomp tại TP HCM vừa rồi (26-29/11), một lần nữa Samsung giới thiệu 6 phong cách di động đến người dùng Việt Nam, trong đó có nhiều model mới như D980, M3510…

Có thể minh họa 6 phong cách điện thoại Samsung như sau:

Dưới đây là những nét tiêu biểu của từng phòng cách và model đặc trưng cho từng dòng.

Dòng điện thoại thời trang – Style.

Samsung L700 có thiết kế dạng thanh thời trang. Ảnh: Gsmarena.

Đây là các sản phẩm hướng tới thiết kế tinh tế, đi theo xu hướng thời trang, đơn giản. Phân khúc này bắt nguồn từ dòng Ultra Edition siêu mỏng từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường trước đây. Những model kế tục hiện tại là dòng Soul với với đại diện tiêu biểu là L700 và U800. L700 có bàn phím dễ bấm, màn hình 2,1 inch dùng cho giải trí. Model này hỗ trợ kết nối 3G, máy ảnh 2 Megapixel và các tính năng kết nối để truy cập Internet, trong khi U800 sở hữu vỏ hợp kim, nhiều màu sắc và phù hợp cho người dùng trẻ.

Cũng trong phân khúc thời trang này, Samsung còn cộng tác với Bang & Olufsen hay Giorgio Armani giới thiệu các model độc đáo như Serena, Armani màn hình cảm ứng hay phiên bản ánh sáng thứ hai mang tên Emporio Armani Night Effect. Một model khác cũng được nhắc tới là F480 với màn hình cảm ứng rộng, hỗ trợ kéo thả trên giao diện TouchWiz.

Dòng điện thoại công nghệ và giải trí – Infotainment.

INNOV8 với máy ảnh 8 “chấm”, mạnh về giải trí. Ảnh: Zdnet.

Các model trong dòng di động này mạnh mẽ về kết nối lẫn các tính năng giải trí đa phương tiện. Khác biệt với các thiết bị dòng Multimedia (chỉ mạnh nghe nhạc và chụp ảnh), các sản phẩm trong dòng Infotainment mở rộng với kết nối HSDPA, Wi-Fi, Bluetooth và hệ thống chỉ đường GPS.

Samsung INNOV8 là đại diện tiêu biểu. Camera phone với máy ảnh 8 Megapixel, hệ thống bản đồ GPS bên cạnh khả năng chơi nhạc, xem phim. i550W hay Omnia cũng hướng tới đối tượng người dùng ưa khám phá. Nếu như Samsung Omnia được xem như một đối thủ iPhone với màn hình rộng thì i550W lại sở hữu trackball như BlackBerry nhưng GPS mạnh mẽ với chip dẫn đường chuyên dụng.

Dòng điện thoại giải trí đa phương tiện – Multimedia

M3510 được mệnh danh là “phù thủy âm nhạc”. Ảnh: Engadget

Đây là phân khúc mà những model hướng tới hai tính năng chụp ảnh và chơi nhạc.

Model mới nhất trong dòng điện thoại nghe nhạc của Samsung là M3510, “chú dế” được mệnh danh là “phù thủy âm nhạc” với loa ngoài lớn, cho phép điều khiển bằng cách lắc tay hoặc gõ nhẹ màn hình.

Trong khi đó, đại diện tiêu biểu cho model điện thoại chụp hình có thể nhắc tới là Pixon. Chiếc điện thoại màn hình cảm ứng rộng với máy ảnh lên tới 8 Megapixel. Máy hỗ trợ chế độ nhận diện khuôn mặt, đưa ảnh vừa chụp được trực tiếp lên blog, mạng xã hội bằng khả năng kết nối.

Dòng điện thoại dành cho doanh nhân – Business

D980 – điện thoại doanh nhân 2 SIM hai sóng. Ảnh: Cellphone.

Mạnh mẽ về kết nối và hỗ trợ việc quản lý thông tin cá nhân là ưu điểm của dòng di động cho doanh nhân. Điện thoại cho doanh nhân của Samsung được trang bị đầy đủ các kết nối hiện đại, máy có hệ điều hành (Windows Mobile hoặc Symbian) nhưng đồng thời cũng thời trang.

Trong phân khúc này, HTC thành công với các model chạy Windows Mobile còn Nokia “đóng mác” với các thiết bị chạy S60. Tuy nhiên, Samsung lại hỗ trợ cả hai. Điểm khác biệt so với HTC lẫn Nokia là di động của Samsung thực dụng hơn với tính ổn định, thiết kế đẹp và mạnh về kết nối với khả năng gửi e-mail, duyệt web.

Tên tuổi được nhắc đến trong phân khúc này có thể kể đến i780 và i600, hai model chạy Windows Mobile với bàn phím QWERTY tiện dụng. Tại thị trường Việt Nam, hãng vừa ra mắt thêm D980, nổi bật với màn hình cảm ứng và có thể online 2 SIM, 2 sóng. Máy tích hợp camera 5 Megapixel, giao diện kéo thả TouchWiz, D980 dành cho đối tượng doanh nhân mới vừa sử dụng di động nhưng vẫn muốn có một chiếc di động thời trang và kết nối tốt.

Dòng điện thoại để liên lạc – Connected

M620 là điện thoại mới nhất của dòng kết nối. Ảnh: Gsmarena.

Connected dành cho những người cần một chiếc di động có độ bền, giá tương đối và dễ sử dụng để liên lạc với bạn bè và người thân như học sinh, sinh viên hoặc những người chỉ có như cầu nghe gọi, nhắn tin. Máy cũng tích hợp các chức năng thiết yếu đơn giản như camera, giao diện thân thiện.

M620 là model mới nhất trên thị trường Việt Nam nằm trong phân khúc này. Máy có màn hình 1,9 inch, tích hợp camera, đài FM, nhạc chuông MP3, nghe nhạc và khe cắm thẻ nhớ.

Bên cạnh đó, Z240 hay L600, những mẫu di động hướng tới các đối tượng người dùng riêng biệt như phụ nữ (L600), cá nhân hóa (Z240).

Dòng điện thoại giá rẻ – Essential

E1110 hỗ trợ các tính năng cơ bản. Ảnh: Cnet.

Đối tượng khác hàng của dòng di động này là những người mới sử dụng điện thoại có thu nhập thấp ở các thị trường mổi nổi, nông thôn. Điện thoại trong dòng này có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng.

Samsung E1110 là model mới nhất trong phân khúc này. Máy có thiết kế chắc chắn, màn hình màu, lưu được 500 số điện thoại và pin lên tới 1.000 mAh, đàm thoại 8 giờ liên tục, 20 ngày chờ. Ngoài ra, E1110 còn có tính năng chống trộm thông minh uTrack 2.0, chặn cuộc gọi với uBlock và bảo vệ tin nhắn, danh bạ với khóa riêng tư. Trước đó, B200 hay B100, M150 cũng là những model giá rẻ, đơn giản giống như E1110.

Samsung L700: Rẻ nhưng sang

Có thể coi Samsung L700 là đại diện cho xu hướng ĐTDĐ giá tốt nhưng tích hợp nhiều tính năng mạnh và thiết kế đẹp đang diễn ra trên thị trường hiện nay.

Chiếc máy có giá dưới 3 triệu đồng này được tích hợp công nghệ 3G (UMTS), máy ảnh số 2 megapixel có đèn flash, khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD có thể thay nóng, nhạc MP3, radio FM và cả Bluetooth 2.0 với A2DP; những thông số tưởng như không thể có ở mức giá này. Đó là chưa kể đến tính năng thoại video với camera phía trước màn hình, tuy tại Việt Nam chưa có dịch vụ hỗ trợ. Thiết kế dạng thanh, kích thước nhỏ nhắn (109x46x12,8mm), phù hợp với nhiều đối tượng người dùng và khá sang trọng với vỏ trước và nắp sau được chế tạo bằng kim loại, sáng bóng. Điều này cũng giúp L700 tạo cảm giác đằm tay hơn cho người dùng với trọng lượng 107g.

L700 sử dụng màn hình TFT, 256.000 màu, kích thước 2,1”. Chất lượng hiển thị hình ảnh không được sắc nét làm nhưng màu sắc khá rực rỡ. Hệ điều hành và giao diện người dùng đơn giản, dễ sử dụng. Hệ thống các phím bấm dễ dùng, kích thước không quá bé và chúng bao gồm cả phím bấm thông minh 5 chiều và phím bấm nhanh cho chụp ảnh ở bên thân máy; khe cắm thẻ nhớ mở rộng và cổng sạc pin cũng ở vị trí này, tất cả đều có nắp đậy khá đẹp.

Phía sau thân máy nổi bật với ống kính máy ảnh và đèn flash. Máy ảnh này cũng có khả năng quay video cùng nhiều tính năng đơn giản khác.Qua thử nghiệm chất lượng ảnh chụp có thể chấp nhận được. L700 còn cho phép người dùng giải trí bắng radio FM, nhạc và video.

Các ứng dụng này được hỗ trợ bởi loa ngoài, thẻ nhớ mở rộng có thể thay nóng, đường truyền USB và Bluetooth 2.0… gần như không khác gì trên ĐTDĐ chuyên cho chơi nhạc. Tuy nhiên, L700 không có hệ thống phím bấm dành riêng cho các ứng dụng giải trí hay cổng cắm tai nghe 3,5mm.

Không chỉ có thiết kế đẹp, các ứng dụng giải trí, L700 còn cho phép người dùng sử dụng các ứng dụng văn phòng đơn giản như e-mail, duyệt web chuẩn HTML, xem các định dạng văn bản phổ biến (Office document viewr) cùng các tính năng trợ giúp cá nhân số cơ bản. Chức năng danh bạ cũng có tính năng Photo call (ảnh kèm danh bạ)… Tất cả những điểm kể trên dù không thực sự mạnh nhưng rõ ràng đã làm cho L700 trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều so với một số thiết bị khác có cùng giá.

Ưu điểm: Thiết kế đẹp, chắc chắn, sang trọng; khe cắm thẻ nhớ mở rộng; đầy đủ các ứng dụng giải trí; Bluetooth 2.0.
Nhược điểm:
Chất lượng hiển thị hình ảnh trên màn hình không được nét lắm
Nhận xét chung:
Đây là một trong những model ĐTDĐ giá dưới 3 triệu đồng nhưng có nhiều chức năng nhất hiện nay; thiết kế khá sang trọng.

Thông tin cho thị trường Việt Nam:
Samsung L700 có giá tham khảo là 2,95 triệu đồng. Hộp sản phẩm bao gồm: máy, pin, sạc pin, thẻ nhớ, tai nghe… Samsung L700 có giao diện tiếng Việt và đã được cài đặt cấu hình GPRS, MMS của các nhà khai thác dịch vụ GSM tại Việt Nam.