Kêu trời mua điện thoại mới “được”… máy cũ

Điện thoại có hạn bảo hành đến 01/2010 nhưng bị từ chối bảo hành vì có xước bên trong. Cửa hàng bán lẻ từ chối trách nhiệm với lý do khách hàng đã dùng máy 3 tháng.

dienthoai1

Chiếc Motorola E6 đã bị xước, mất tem bảo hành dù anh Bình chưa sửa chữa lần nào. Ảnh: V.Huyền

Ngã ngửa điện thoại mới, máy cũ

Ngày 28/11/2008, anh Nguyễn Vương Bình đến cửa hàng Đức Hiếu Mobile số 2 – Lý Thường Kiệt để mua một máy Motorola Rokr E6. Máy có số IMEI 354524001257756, thời hạn bảo hành thân máy đến 30/01/2010 và thời hạn bảo hành phụ kiện là 30/08/2009. Sau khi thanh toán, nhân viên của Đức Hiếu mobile đã giao cho anh thân máy, đầy đủ phụ kiện và bảo hành.

Khoảng 1 giờ sau khi thanh toán, anh phát hiện ra bàn phím ngoài của máy không sáng, ngay lập tức anh đem máy đến số 2 – Lý Thường Kiệt để hỏi lại. Người bán hàng đã giải thích với anh là bàn phím ngoài của máy E6 sử dụng ánh sáng phản quang từ màn hình nên không có đèn nền. Chấp nhận cách giải thích, anh mang máy về nhà sử dụng mà không thắc mắc gì thêm.

Đến đầu tháng 3/2009, anh Bình thấy một người khác sử dụng máy Motorola Rokr E6 và bàn phím ngoài của máy này có đèn nền nên anh đã đem máy đi bảo hành tại Trung tâm bảo hành Hồng Quang (184 – 186 Triệu Việt Vương). Tại đây, nhân viên bảo hành đã mở máy trước mặt anh để kiểm tra, chỉ cho anh thấy những vết xước bên trong – dấu vết của việc sửa chữa trước đó – đồng thời lập biên bản từ chối bảo hành do máy đã qua sửa ngoài và mất tem bảo hành.

Anh Bình cho biết, từ khi mua máy, anh chưa lần nào đem sửa chữa, cũng không đem sửa ngoài hay nhờ bạn bè nào xem giúp bởi thời hạn bảo hành của máy anh còn đến tháng 01/2010.

Quay trở lại cửa hàng Đức Hiếu Mobile số 2 – Lý Thường Kiệt, anh Bình được người quản lý ở đây cho biết: thời gian dùng máy của anh đã quá lâu (hơn 3 tháng) nên cửa hàng không thể đổi máy mới cho anh được và cũng không chịu trách nhiệm gì.

Sau đó, anh Bình quay trở lại trung tâm bảo hành Hồng Quang đề nghị nhân viên kĩ thuật sửa máy giúp, chấp nhận trả phí bảo hành. Nhân viên ở đây đã linh động giải quyết bảo hành 1 lần cho anh Bình. Sau khi sửa chữa, hiện đèn nền của máy anh đã sáng.

Cái tem đuối lý

Trả lời thư của Phóng viên, đại diện Đức Hiếu Mobile (số 2 – Lý Thường Kiệt) khẳng định: không có chuyện Đức Hiếu Mobile bán máy cũ cho khách hàng.

Theo như quy định bán hàng, Đức Hiếu sẽ chỉ đổi máy cho khách hàng trong vòng 24h nếu có lỗi từ nhà sản xuất với điều kiện còn nguyên tem bảo hành. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng không cho biết lí do tại sao nhân viên bán hàng lại giải thích với anh Bình bàn phím không lên đèn thành bàn phím sử dụng ánh sáng phản quang.

Ngay khi nhận được khiếu nại của anh Bình vào ngày 10/3/2009, Đức Hiếu Mobile cũng đã cho kiểm tra từ hướng nhà phân phối nhưng cũng đang gặp trở ngại sản phẩm được bán ra quá lâu so với quy định cho phép đổi máy (Đức Hiếu được phép khiếu nại và đổi hàng tới nhà cung cấp tối đa 1 tháng).

Đức Hiếu cho biết đang xác minh Trung tâm bảo hành Hồng Quang có làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình hay không.

Thư phúc đáp cũng đặt câu hỏi liệu anh Bình có tự sửa máy hay nhờ bạn bè sửa chữa, can thiệp trước khi đem đến trung tâm bảo hành.

Trả lời câu hỏi liệu Đức Hiếu có hỗ trợ khách hàng trong thời gian bảo hành còn lại hay không, đại diện này chỉ khẳng định cửa hàng “đang kiểm tra từ nhiều phía với tiêu chí mang đến những sản phẩm tốt nhất tới người tiêu dùng.”

Liên hệ với trung tâm bảo hành Hồng Quang, nhân viên ở đây giải thích: Trung tâm làm đúng theo nguyên tắc bảo hành trên phiếu bảo hành. Trường hợp của anh Bình thuộc vào điều 3.4. được in trên phiếu bảo hành: “Khách hàng sẽ mất quyền bảo hành hoàn toàn cho dù còn thời gian bảo hành nếu: Máy bị cháy nổ, có chất lỏng, mùi khét, mùi lạ, bị ẩm mốc, bị ăn mòn, bị nứt, vỡ, gẫy, biến dạng, mất tem niêm phong, mất linh kiện hoặc bị thay linh kiện loại khác”. Như vậy, trung tâm chỉ có thể linh động bảo hành miễn phí cho lần đầu còn những lần sau nếu anh Bình đem máy đến bảo hành, anh sẽ phải trả phí.

Khi được hỏi, tại sao người tiêu dùng không hề sửa chữa hay “vọc” máy mà máy lại có vết xước sát và không còn tem bảo hành, nhân viên trung tâm Hồng Quang khuyên khách hàng nên quay lại hỏi cửa hàng bán lẻ.

Anh Bình cho biết máy anh vẫn dùng tốt và anh đi bảo hành chỉ vì đèn bàn phím ngoài không sáng. Việc phát hiện ra máy mình đã từng bị sửa chữa và mất tem bảo hành làm anh vô cùng kinh ngạc. Tuy nhiên, điều làm anh bức xúc nhất là câu trả lời: thời gian mua máy đã quá lâu nên cửa hàng không chịu trách nhiệm gì và thái độ của người quản lý cửa hàng bán lẻ khi anh mang máy đến khiếu nại. Hiện anh Bình vẫn đang chờ câu trả lời cuối cùng từ Đức Hiếu Mobile.

Chống “ĐT mới, máy cũ”: Kiểm tra tem ốc

Anh Nguyễn Văn Công, nhân viên kĩ thuật, Trung tâm bảo hành Hồng Quang (184-186 Triệu Việt Vương, Hà Nội) tư vấn:

Để đảm bảo quyền lợi cho mình và tránh gặp những rắc rối khi bảo hành do máy bị mất tem niêm phong như trường hợp của anh Bình, khi mua ĐT, người tiêu dùng nên yêu cầu nhân viên bán hàng mở nắp pin ra để kiểm tra tem ốc.

Thường, tem bảo hành của hãng được dán chồng lên ốc trong điện thoại. Nếu không thấy tem này, khách hàng có thể yêu cầu nhân viên bán hàng cho xem máy khác hoặc yêu cầu người bán trực tiếp dán tem bảo hành của hãng lên phần đó. Chỉ khi mở nắp pin mới lắp được thẻ sim và thao tác tháo lắp pin, thay sim không làm rách hay làm hư hỏng tem bảo hành, vì thế, khách hàng không nên chủ quan hay quá tin tưởng mà bỏ qua khâu kiểm tra quan trọng này.

Theo xaluan