Bàn phím QWERTY dành cho iPhone

TK-421 vừa là một vỏ case bảo vệ cho điện thoại iPhone, vừa giúp cho mẫu smartphone cảm ứng của Apple có thêm một bàn phím cứng QWERTY.

TK-421 là một phụ kiện khá đặc biệt dành cho người sử dụng điện thoại iPhone, giúp mang lại người dùng iPhone bàn phím QWERTY thực sự, ngoài bàn phím ảo vốn có trên màn hình cảm ứng.

Mẫu phụ kiện có tên TK-421 đầu tiên mang đến cho người dùng iPhone một chiếc case (vỏ bảo vệ) chắc chắn…

Tuy nhiên, đi kèm với thiết kế là vỏ bảo vệ cho iPhone, TK-421 còn sở hữu một bàn phím QWERTY thực thụ nằm ngay bên dưới mặt lưng của điện thoại.

Không phải dạng trượt hay gập, bàn phím cứng trên mẫu phụ kiện này lại có dạng xoay Flip-out. Người dùng chỉ cần quay khớp nối có trên phụ kiện để lộ ra bàn phím của máy.

Bàn phím QWERTY đầy đủ với 5 hàng phím, bao gồm một hàng phím chữ số riêng biệt nằm ở trên cùng. Các phím có kích thước lớn và được sắp xếp cách nhau một khoảng khá thoải mái.

Bộ phụ kiện đặc biệt này giúp cho một số người có thói quen nhắn tin, tán gẫu hay soạn thảo e-mail, văn phòng trên iPhone cảm thấy thích thú.

TK-421 chỉ tương thích với iPhone 4 và iPhone 3GS, không hỗ trợ hai mẫu iPhone 3G và 2G cũ. Theo Engadget, bộ phụ kiện này sẽ được ThinkGeek bán ra vào giữa tháng 11 tới, với số lượng hạn chế và có mức giá 50 USD.

Desire HD và Desire Z xuất hiện tại Anh

HTC ra mắt bộ đôi di động Android, trong đó, Desire HD sở hữu màn hình 4,3 inch, camera 8 Megapixel còn Desire Z nổi bật với bàn phím trượt ngang.

Ngay sau khi Nokia kết thúc Nokia World 2010  tại London, cũng tại thủ đô nước Anh, hôm nay nhà sản xuất smartphone Đài Loan bắt đầu sự kiện riêng, công bố những chiếc di động mới cho mùa mua sắm cuối năm.

Đúng như tin đồn, HTC đã công bố hai bản Desire HD và Desire Z chạy Android 2.2 Froyo.

Chiếc Desire HD với màn hình rộng 4,3 inch.

HTC Desire HD được xem là phiên bản chạy GSM của chiếc EVO 4G được hãng ra mắt tại Mỹ. Model này có màn hình LCD rộng 4,3 inch, bộ khung nhôm cứng cáp. Máy chạy hệ điều hành Android 2.2 Froyo, bộ vi xử lý Snapdragon 8255 tốc độ 1GHz.

Desire HD trang bị camera 8 Megapixel, quay video HD với hai đèn flash LED, máy hỗ trợ kết nối HSPA+, Wi-Fi chuẩn n, máy sẽ bán tại châu Âu và châu Á ngay trong tháng 10 tới. Đây cũng là chiếc smartphone sử dụng giao diện Sense với dịch vụ từ htcsense.com.

HTC Desire Z với bàn phím QWERTY “pop-out”.

Trong khi đó, chiếc Desire Z sở hữu bàn phím QWERTY ngang được HTC gọi là mở “pop-out” (không phải dạng trượt). Máy hỗ trợ các phím tắt, cho phép nhanh truy cập đến các ứng dụng yêu thích.

Model này có camera 5 Megapixel với đèn flash, quay video HD. Desire Z sở hữu bộ vi xử lý Qualcomm MSM7230 tốc độ 800MHz. Máy có kết nối HSPA+, Wi-Fi chuẩn n và cũng sử dụng các dịch vụ từ Sense. Máy sẽ được bán từ tháng 10 tại châu Âu và châu Á.

Chủ tịch HTC, Peter Chou, có mặt ngay từ đầu trên sân khấu. Ông cho biết, HTC đang “khai phá những vùng đất mới”, và sẽ trình diễn những mẫu smartphone mới. Ông Chou cũng nhận định, trong những năm qua, họ đã có những nhận thức về thương hiệu, và đang muốn khách hàng nhìn nhận “HTC như là một nhãn hiệu với nhiều điểm khác nhau”.

HTC phát triển giao diện Sense lên thành dịch vụ “điện toán đám mây”.

Nhà sản xuất nằm trong nhóm 4 thương hiệu smartphone hàng đầu cho biết, sẽ giới thiệu di động Windows Phone 7 và các mẫu điện thoại thông minh sử dụng giao diện Sense mới sắp tới.

Hãng cũng chia sẻ, đang xây dựng trang web riêng cho Sense (htcsense.com) như một dịch vụ kết nối riêng, giống như “điện toán đám mây”. Với dịch vụ mới, HTC muốn quản lý di động của mình thông qua trang web, từ chiếc PC, trong đó, Sense không còn là một phần mềm giao diện, mở rộng hơn với nhiều tiện ích cho người dùng.

Nokia C3 – điện thoại phong cách trẻ

Nokia C3 có thiết kế nam tính, phong cách E-series và là chiếc điện thoại hữu dụng với giá tiền hợp lý.

Đầu tháng 8 vừa rồi, Nokia đã đưa C3, chiếc di động dành cho giới trẻ với kết nối mạng xã hội, đến Việt Nam thông qua một chương trình bán hàng giảm giá rầm rộ. Mức giá tốt, thiết kế đẹp, hỗ trợ Wi-Fi chính là những điểm làm cho C3 trở thành chiếc di động giá rẻ bán tốt trên thị trường hiện nay.

Hiện C3 đang được niêm yết mức 2,8 triệu đồng, máy đi kèm là sạc, pin, tai nghe, sách hướng dẫn sử dụng cộng thẻ 3G khuyến mãi. Nokia không kèm thẻ nhớ microSD hay dây kết nối microUSB như các mẫu di động cùng tầm giá khác.

C3 có giá tốt, model ấn tượng với thiết kế đẹp.

Dưới đây là những điểm nhấn chính của Nokia C3.

– Thiết kế dạng thanh với bàn phím QWERTY.

– Hỗ trợ 4 băng tần GSM, EDGE.

– Kết nối Wi-Fi chuẩn b/g.

– Màn hình Home với giao diện cho phép đi vào các ứng dụng, mạng xã hội, danh bạ nhanh.

– Màn hình 2,4 inch, 256 nghìn màu, độ phân giải QVGA, nhìn dưới nắng tốt.

– Camera 2 Megapixel, quay phim QVGA.

– Giao diện S40.

– Tích hợp đài FM với RDS.

– Cổng giao tiếp microUSB, khe cắm thẻ microSD, kết nối Bluetooth.

– Giắc cắm tai nghe 3,5 mm.

Đánh giá chung.

+Điểm mạnh

– Thiết kế nam tính, bàn phím QWERTY đầy đủ, dễ dùng.
– Hỗ trợ Wi-Fi.
– Kết nối mạng xã hội.
– Giắc cắm tai nghe 3,5 mm, hỗ trợ thẻ nhớ microSD.
– Giao diện giống S40, dễ dùng.
– Giải trí khá, âm thanh tốt, pin khỏe.

+Điểm yếu

– Không có 3G.
– Camera chụp ảnh kém.
– Không hỗ trợ đa nhiệm, thiếu quay số thông minh, đọc các file văn bản.
– Máy bán không có thẻ nhớ, dây kết nối microUSB đi kèm.
– Cổng microUSB không cho phép sạc.

Bộ đôi điện thoại hai SIM của Motorola

Motorola sắp giới thiệu chiếc EX115 và EX128 với giá bán trên dưới 100 euro, máy hỗ trợ hai SIM hai sóng.

Nếu như EX115 có thiết kế bàn phím QWERTY phía dưới, thì EX128 sở hữu kiểu dáng thiết kế màn hình chạm. Hai thiết bị này chạy cùng lúc hai SIM đồng thời.

Chiếc EX128 với màn hình chạm.

Motorola EX128 sở hữu màn hình cảm ứng với giao diện người dùng mới. Cấu hình của hai thiết bị này chưa được tiết lộ đầy đủ, Motorola sẽ công bố sản phẩm vào tháng 10 tới.

Phiên bản EX115 có bàn phím QWERTY.

Theo các website ở Romania, máy sẽ xuất hiện trên thị trường vào 18/10 tới, EX115 có giá dưới 95 euro (tương đương 2,4 triệu), trong khi EX128 dưới 120 euro (khoảng 3 triệu đồng).

Nokia E7 màn hình cảm ứng sẽ ra mắt 14/9

Nokia sẽ ra mắt chiếc di động E-series màn hình cảm ứng đầu tiên vào tuần sau. Model mang tên E7.

Mẫu thiết kế được cho là Nokia E7 rò rỉ.

Reuters hôm qua cho biết, nhà sản xuất di động Phần Lan sẽ tổ chức sự kiện Nokia World vào ngày 14 đến 15/9 này tại London (Anh), chiếc E7 sẽ được giới thiệu tại đây, model sở hữu màn hình chạm lẫn bàn phím QWERTY đầy đủ, máy chạy Symbian^3.

Cũng tại sự kiện trên, Nokia sẽ xác nhận chính thức ngày bán N8 sau 7 tháng công bố. Nokia World còn là nơi mà nhiều chiếc smartphone khác của Nokia sẽ được giới thiệu.

Hiện chưa rõ E7 có thiết kế khác, hay là hình ảnh chiếc N9 rò rỉ thời gian gần đây. Ngoài ra, một thiết bị khác của Nokia cũng có tin đồn sẽ xuất hiện sắp tới là C7, model dạng thanh với màn hình chạm.

Nokia hiện đang tập trung vào hai nền tảng là MeeGo và Symbian^3, đây là những hệ điều hành nhắm vào thiết bị có màn hình cảm ứng, đa điểm chạm.

Điện thoại lạ – Motorola BackFlip

Thiết kế lạ và đem đến đôi chút bất tiện khi sử dụng, nhưng BackFlip MB300 là một chiếc smartphone tầm trung tốt, chạy mượt mà.

Motorola BackFlip đến Việt Nam khá muộn sau khi hãng ra mắt tại CES đầu năm và phân phối tại thị trường Mỹ sau đó. Tại CES 2010, thiết bị này đã nhận được giải thưởng smartphone tốt nhất.

BackFlip có thiết kế với bàn phím QWERTY độc đáo, lật ngược ra phía sau, và trackpad dưới màn hình.

Smartphone mới của Motorola đã bán trên thị trường Việt Nam từ cuối tháng 8 với giá 7,9 triệu đồng, hơi cao giá hơn so với các mẫu Android tầm trung đang xuất hiện rầm rộ trong vài tháng trở lại đây.

BackFlip có thiết kế tương đối lạ.

Một số điểm đáng chú ý nhất của Motorola BackFlip.

– Thiết kế lạ nhưng chắc chắn, gọn gàng.

– Chạy trên 4 băng tần GSM, kết nối 3G với HSDPA 7,2 Mb/giây.

– Màn hình 3,1 inch, 256 nghìn màu, 320 x 480 pixel, cảm ứng điện dung, nhưng không hỗ trợ đa điểm.

– Hệ điều hành Android 1.5 với giao diện MotoBlur và các Widget cập nhật trực tiếp. Máy sẽ được nâng cấp lên 2.1 trong quý IV năm nay.

– Bàn phím QWERTY với 4 hàng nút bấm bật ra phía sau.

– Backtrack đóng vài trò như một touchpad phía sau màn hình.

– Vi xử lý Qualcomm MSM7201A 528 MHz, RAM 256MB.

– Camera 5 Megapixel, hỗ trợ tự động lấy nét, đèn flash LED.

– Kết nối Wi-Fi, GPS với A-GPS.

– Cổng giao tiếp microUSB, giắc cắm tai nghe 3,5 mm, khe cắm thẻ microSD, Bluetooth 2.1 với A2DP.

Đánh giá chung.

+Điểm mạnh

– Thiết kế chắc chắn, lạ.
– Loa ngoài tốt.
– Chạy tương đối mượt mà.

+Điểm yếu

– Bàn phím nằm dưới, và hơi cứng.
– Pin trung bình.

Đánh giá chung.

– Thiết kế chắc chắn, lạ
– Loa ngoài tốt
– Chạy tương đối mượt mà

Nokia E5 giá 4,9 triệu tại TP HCM

Chiếc di động mới nhất của dòng E đã xuất hiện tại TP HCM qua đường xách tay với giá 4,9 triệu, rẻ hơn E71 và E72.

E5 là đại diện mới nhất trong các model có bàn phím QWERTY dưới màn hình của E-series. Kế thừa kiểu dáng của các bản E71, E72 và cả E63 giá thấp, E5 trông vuông vắn, bè, máy cần khá chắc tay, vỏ nhựa, nắp pin bằng kim loại. Model này trang bị đầy đủ các kết nối, camera 5 Megapixel.

Bản chính hãng phải tới cuối năm nay mới có mặt chính thức, trong khi bản xách tay đã có hàng với giá gần 4,9 triệu. Ba model dòng E đi trước hiện vẫn bán trên thị trường là E63 (3,6 triệu đồng), E71 (5,3 triệu) và E72 (6,8 triệu).

Dưới đây là hình ảnh “đập hộp” chiếc Nokia E5 phiên bản màu trắng tại TP HCM.

Hộp đựng E5 không khác nhiều so với các bản đi trước, khá lớn và thô.

Máy đi kèm các phụ kiện như  sạc, tai nghe, dây kết nối máy tính, sách hướng dẫn sử dụng.

E5 có kích thước 115 x 58,9 x 12,8 mm, lớn hơn các bản E71, E72 đi trước.

Model này có màn hình 2,36 inch, độ phân giải 320 x 240 pixel, 256 nghìn màu.

Giao diện màn hình Home có đôi chút khác biệt với các bản E-series đi trước, một dãy Menu trượt phía dưới cho phép đi vào các ứng dụng cũng như kết nối mạng xã hội.

Máy sử dụng hệ điều hành Symbian OS 9.3, Series 60 rel. 3.2, vi xử lý tốc độ 600 MHz, kết nối 3G/HSDPA, HSUPA, Wi-Fi, GPS.

Bàn phím QWERTY.

E5 chính hãng phải tới cuối năm mới có hàng.

Cạnh phải của máy với nút tăng giảm âm lượng.

Cạnh trái. Giống như E71, E72, hai phím bấm hai bên máy nằm đối diện có nhiệm vụ bật nắp đậy pin.

Cổng kết nối microUSB, giắc cắm tai nghe 3,5 mm và sạc nằm trên đỉnh.

Phía dưới bản E5 màu trắng.

Mặt sau của máy với nắp đậy pin bằng kim loại.

Camera 5 Megapixel với đèn flash LED được bó khung trong ô, nằm thấp hơn so với vỏ máy.

E5 là chiếc E-series mới nhất được đặt lại tên theo quy định của Nokia gần đây. Tên ban đầu của máy là E5-00, thuộc phân khúc giữa của dòng E. Dự kiến sẽ có các bản E5-01, E5-02 ra mắt trong thời gian tới.

Pin dung lượng 1.200 mAh, thấp hơn E71, E72.

Galaxy S chính thức lên Android 2.2

Samsung cho biết, chiếc Galaxy S bắt đầu được nâng cấp lên bản Android 2.2. Froyo. Model này đã đạt mốc một triệu máy bán ra ở Mỹ sau 2 tháng.

Galaxy S I9000 đã chạm mốc 1 triệu máy bán ra ở Mỹ.

Tại thị trường  Mỹ, Galaxy S được phát hành dưới 4 phiên bản khác nhau dành cho các nhà mạng lớn gồm AT&T i897 Captivate, T-Mobile Vibrant, Verizon Fasscinate và Epic 4G của Sprint có bàn phím QWERTY.

Dù có đôi chút khác biệt về kiểu dáng, nhưng chúng đều chung trang bị như màn hình Super AMOLED 4 inch, camera 5 Megapixel hỗ trợ quay phim HD, Wi-Fi chuẩn n, Bluetooth 3.0, kết nối GPS.

Sau khoảng hai tháng bán ra, model này đã chạm mốc một triệu máy, đây là con số chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ.

Đồng thời với sự kiện trên, bàn Android 2.2 cũng đã chính thức có mặt. Người dùng có thể truy cập vào trang web, cập nhật thông qua phần mềm Kies. Hệ điều hành mới được nâng cấp về Flash, giao diện và tốc độ nhanh hơn.

Galaxy S là một trong những chiếc Android đáng chú ý nhất của Samsung, model mạnh về đồ họa, tốc độ 1 GHz, màn hình rực rỡ. Đáng tiếc, máy không bán chính thức tại thị trường Việt Nam.

Trào lưu BlackBerry ở VN đã hạ nhiệt

Vài năm trước, BlackBerry còn là điện thoại “đình đám”, thì nay giới “chơi” dòng di động này khá sàng lọc và chỉ còn các fan thực thụ.

BlackBerry từng là một trào lưu phát triển rầm rộ từ Nam ra Bắc.

BlackBerry đến Việt Nam từ khá sớm, nhưng chỉ được biết nhiều sau thời kỳ thoái trào của O2 và trước khi “làn sóng” iPhone đổ bộ. Thời kỳ xâm nhập của BlackBerry là khoảng năm 2005 và cực “thịnh” trong khoảng 3 năm, từ 2007 đến 2009.

Thời điểm đó, các phiên bản từ xách tay đến hàng “dựng” Trung Quốc rầm rộ tiến vào Việt Nam. Giới dùng BlackBerry cũng đa dạng, từ sinh viên với những chiếc 6710, 8700 đến nhân viên văn phòng, doanh nhân với 8800, sau này là Bold 9000, Curve 8900…

Trào lưu BlackBerry rầm rộ từ Nam ra Bắc, gần như đâu đâu cũng bắt gặp những chiếc di động bàn phím QWERTY, thiết kế bè bè, thân lớn. Các cửa hàng chuyên BlackBerry cũng mọc lên như nấm. Topic trao đổi phần mềm, ứng dụng và kinh nghiệm sử dụng điện thoại của RIM xuất hiện trên hầu khắp các diễn đàn di động và luôn đông khách.

Tuy nhiên, khoảng từ cuối 2009 đến nay, trào lưu BlackBerry bắt đầu “hạ nhiệt”. Số lượng máy mới về Việt Nam nhiều hơn, nhưng lượng người dùng bắt đầu giảm dần, “những người trụ lại sử dụng dòng di động này chỉ còn là các fan chính gốc”, anh Nguyễn Hải Triều (Đống Đa – Hà Nội), một dân chơi BlackBerry tâm sự.

Dòng di động này ngày càng chọn lọc người chơi hơn.

Hiện không hiếm smartphone đa tính năng, thiết kế tương tự BlackBerry và “dễ dùng hơn” xuất hiện trên thị trường, khiến BlackBerry không còn là lựa chọn đầu tiên khi nghĩ tới dòng smartphone có bàn phím QWERTY và giá rẻ.

Ở một góc nhìn khác, anh Hải Long (Tân Phú – TP HCM) cho rằng, cái gì chạy theo phong trào sẽ đến một lúc nào đó hết đi, “rất nhiều bạn bè trước thấy tôi dùng chiếc 8700 cùng dùng theo, nhưng giờ số người tôi biết còn sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, anh Long chia sẻ.

Hơn nữa, theo anh Long, BlackBerry không còn là dòng di động giá rẻ. Sự có mặt của nhà phân phối Viettel với các model kèm hợp đồng, hay sự xuất hiện của các dòng mới như Bold, Storm, Curve… làm cho BlackBerry ngang tầm với cả HTC, Nokia, Sony Ericsson về mức giá máy bán ra.

Bên cạnh đó, BlackBerry là một hệ điều hành không dễ dùng cho khách hàng ít am hiểu. “Sự rắc rối trong cài đặt, đi vào tính năng, hỗ trợ tiếng Việt và một số nhược điểm khác, làm cho nhiều người mới dùng nản, và quay trở lại với các hệ điều hành thân thiện hơn như Symbian, Android, đặc biệt là iPhone”, anh Sơn, chủ một cửa hàng trên đường Bạch Đằng (Tân Bình – TP HCM) cho hay.

Cũng theo anh Sơn, khách hàng mua BlackBerry hiện tại phần lớn là những người đam mê, theo đuổi dòng di động này ngay từ đầu, “họ cảm thấy khó khăn khi thay đổi nền tảng khác và khá trung thành. Đó là những người đam mê BlackBerry thực sự”.

BlackBerry dần thay đổi, máy cao cấp về nhiều hơn.

Cũng giống như nhiều năm trước, xu hướng của người dùng BlackBerry trong Nam là chuộng các dòng máy xách tay từ thị trường châu Âu, Mỹ, còn ở miền Bắc là các dòng thấp như 8700, 8800. Ở miền Bắc thì dễ “dính” hàng “dựng” hơn do nguồn hàng từ Trung Quốc tuồn về. Tuy nhiên, sự phân biệt này được nhiều dân chơi cho là không rạch ròi, bởi nhiều người ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… vẫn chơi BlackBerry dòng cao.

Những model 61xx giờ hiếm gặp trên thị trường, thay vào đó là 8700, 8800, 8100 – những model giá thấp được giới sinh viên chọn mua nhiều hơn. Mức giá các sản phẩm này nằm từ trên một triệu đến 3 triệu đồng. Tại thị trường TP HCM, các mẫu như Curve 8900, Bold (9000 và 9700) bán tốt, Storm cảm ứng của hãng bán chậm hơn, nhất là khi có thông tin model này không hỗ trợ hệ điều hành BlackBerry OS 6.

Bản thân BlackBerry cũng đang thay đổi, từ dòng điện thoại QWERTY dành cho doanh nhân, đến nay, RIM đã tung ra các bản cảm ứng, hướng tới tính năng giải trí. Chiếc Torch 9800 vừa ra mắt và cũng đã xuất hiện tại Việt Nam (với giá 17,5 triệu), nằm trong nhóm các model hướng tới khả năng chia sẻ kết nối mạng xã hội, xem phim, chơi nhạc nhiều hơn.